Đường dẫn truy cập

Vụ Tân Tạo: Kiện ai và kiện ở đâu?


Ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng.

Luật sư Nguyễn Thanh Tuân


Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, bị đơn trong vụ đòi bồi thường 2,5 tỷ đôla do cựu đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến khởi kiện ra tòa trọng tài quốc tế, sẽ bị tống đạt thông báo trọng tài vào hôm nay, 10/09/2019. Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Thanh Tuân có bài nhận định dưới đây, được VOA đăng tải nguyên văn.

***

Theo thông tin qua báo chí chính thức của Việt Nam, Dự án đầu tư Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du của Tập đoàn Tân Tạo được chính phủ (thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) cấp phép đầu năm 2008. Như vậy, việc làm thủ tục, xin cấp phép và cấp giấy phép đầu tư cũng như việc thực hiện một phần dự án đã được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư 2005.

Theo Luật đầu tư 2005, nhà đầu tư sẽ ký với nhà nước (đại diện bởi chính phủ) một trong các loại Hợp đồng như hợp đồng BOT (Built-Operate-Transfer- Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao); BT (Built-Transfer- Xây dựng - chuyển giao) và BTO (Built - Transfer Operate - Xây dựng - Chuyển giao – Kinh doanh). Các khoản Khoản 17, 18 và 19 của Điều 3 Luật Đầu tư 2005, có định nghĩa cho các loại hợp đồng nói trên.

Trong phần nội dung chủ yếu của các hợp đồng đầu tư giữa nhà đầu tư và chính phủ luôn có điều khoản về giải quyết tranh chấp (Điều 12 Luật Đầu tư 2005), trong đó cho phép áp dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án Việt Nam, bằng Trọng tài Việt Nam, Trọng tài nước ngoài hay Trọng tài quốc tế.

Tuy nhiên, ngoài việc phải chọn Tòa án Việt Nam hay trọng tài Việt Nam, Luật Đầu tư 2005 chỉ cho phép chọn trọng tài nước ngoài hay trọng tài quốc tế trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể là: chỉ được chọn trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế khi “tranh chấp mà một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau” (khoản 3 Điều 12); hoặc (theo khoản 4 Điều 12): “…tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam… mà trong hợp đồng đầu tư đã có thỏa thuận chọn trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế, hoặc phải theo quy định của điều ước quốc tế tương ứng mà Việt Nam là thành viên.

Theo quy định tại khoản 2 Đều 76 (Hiệu lực thi hành) của Luật Đầu tư 2015, kể từ ngày 01/7/2015, Luật đầu tư 2005 hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, quy định về Giải quyết tranh chấp (Điều 14 Luật đầu tư 2015) về cơ bản không thay đổi nhiều sơ với Điều 12 của Luật 2005.

Như vậy, việc nhà đầu tư Tân Tạo Group kiện chính phủ Việt Nam khi tranh chấp liên quan đến Hợp đồng đầu tư đã ký trước đây giữa hai bên, và nếu tranh chấp được đưa ra một Tòa án Trọng tài hay Trung tâm Trọng tài quốc tế (như ICC hay PCA)... và giải quyết theo quy tắc tố tụng trọng tài UNCITRAL như thông tin đã đưa, thì cá nhân tôi cho là cũng có vài điều cần phải xem xét:

Thứ Nhất là, Tân Tạo là một doanh nghiệp Việt Nam, được cấp giấy phép đầu tư và đã đầu tư vào các dự án theo Luật Đầu tư 2005 với tư cách nhà đầu tư trong nước, thuộc khoản 2 Điều 12 Luật 2005 và Khoản 2 Điều 14 Luật 2015 (Tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ sử dụng Tòa án hoặc Trọng tài Việt Nam). Vậy, việc Tập đoàn Tân Tạo kiện ở nước ngoài theo cơ chế trọng tài nước ngoài và áp dụng quy tắc trọng tài quốc tế trên cơ sở nào ?

Thứ Hai, chúng tôi hiểu rằng bà Đặng Thị Hoàng Yến bây giờ có thể đã có quốc tịch nước ngoài (Mỹ, chẳng hạn). Tuy nhiên, việc bà trở thành công dân Mỹ liệu có tạo cho bà đầy đủ các quyền của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam theo Hiệp định về đầu tư song phương giữa Mỹ và Việt Nam, có hiệu lực (hồi tố - retroactive) ngay cả đối với tài sản đầu tư của bà trong các dự án đầu tư được cấp phép khi bà còn chưa phải là công dân Mỹ, hay không? Nói cách khác, Luật đầu tư 2005 và 2015 của Việt Nam hay Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt – Mỹ sẽ được áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp này?

Thứ Ba, cũng còn có một điểm thu hút sự quan tâm của giới luật sư Việt Nam, là vấn đề tư cách bị đơn của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trên thực tế, ông Dũng có thể được tạm gọi (một cách không chính xác lắm), là “Người cấp phép đầu tư”, nhưng ông ấy đã về nghỉ trước khi Nguyên đơn bị thu hồi giấy phép. Ngoài ra, ông Dũng không cấp phép đầu tư với tư cách cá nhân mà là với tư cách người đựoc giao thẩm quyền cấp phép đầu tư, tức là ông ấy, hay người được ông ấy ủy quyền cấp phép, đã thừa ủy quyền cùa nhà nước để thực hiện hành vi công vụ khi cấp phép. Như vậy, việc ông Dũng đã nghỉ hưu mà còn trở thành bị đơn trong vụ kiện nghe có vẻ lạ lẫm…

Hãy chờ xem nhiều điều còn ở phía trước.

Luật sư Nguyen Thanh Tuan
N.T.TUAN LAWYER & ASSOCIATES
105D(1st Fl) Ngo Quyen Str., D. 5
Ho Chi Minh City - Vietnam

XS
SM
MD
LG