Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ ​​RCEP


Theo báo cáo của WB, dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.
Theo báo cáo của WB, dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra phân tích khá kỹ về cách RCEP có thể tác động đến kinh tế của các quốc gia thành viên. Trong đó, Việt Nam được cho là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, với dự kiến tăng mức xuất khẩu tới 11,4%, đặc biệt là xuất khẩu các thiết bị điện, máy móc và hàng dệt may.

Sách trắng của Ngân hàng Thế giới (WB) về Ước tính Tác động Kinh tế và Phân phối của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đưa ra 4 kịch bản về hoạt động của RCEP.

Kịch bản thứ nhất cho giai đoạn 2020 – 2035, mức thuế trung bình mà Việt Nam áp dụng giảm từ 0,8% xuống 0,2%, trong khi mức thuế xuất khẩu mà Việt Nam được hưởng giảm từ 0,6% xuống 0,1%. Với kịch bản này, tăng trưởng thu nhập của Việt Nam gần bằng 0 và xuất-nhập khẩu giảm đi.

Tuy nhiên, kịch bản 4 lại đưa ra viễn cảnh lạc quan nhất. Trong đó nói rằng, khi tận dụng được tất cả các lợi ích, Việt Nam sẽ có mức thu nhập cao nhất trong tất cả các nước thành viên RCEP. Mức thu nhập của Việt Nam tăng 4,9% so với mức cơ bản, cao hơn các nước khác chỉ có mức thu nhập tăng 2,5%.

Trong khi xuất khẩu và nhập khẩu tăng đối với tất cả các nước thành viên RCEP, thì Việt Nam dự kiến sẽ có mức tăng xuất khẩu cao nhất ở mức 11,4%.

Tương tự, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng đáng kể ở mức 9,2% so với 7,2% của Philippines. Trong đó, lĩnh vực xe có động cơ tăng nhiều nhất với 18,6%, tiếp theo là dệt với 16,2% và quần áo với 14,9%, chủ yếu nhờ cắt giảm các biện pháp phi thuế quan.

Một yếu tố quan trọng là quy tắc xuất xứ của hàng hóa được sử dụng để cho hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do. Doanh nghiệp sẽ có thể sản xuất các sản phẩm của mình bằng cách nhận nguyên liệu thô từ các nước thành viên RCEP và bán chúng cho các thành viên RCEP với mức thuế giảm và chi phí thấp hơn.

Báo cáo của WB cũng đưa ra dự đoán mức tăng lương cho lao động Việt Nam sẽ nhanh hơn so với các thành viên khác, cũng như sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Báo cáo của WB cho biết thêm việc đơn giản hóa các thủ tục như hải quan và quy tắc xuất xứ sẽ giúp giảm bớt tình trạng quan liêu, cho phép nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia WB đánh giá rằng lợi ích của RCEP đối với Việt Nam có thể khá khiêm tốn so với CPTPP hoặc EVFTA. Tuy nhiên, lợi ích này có thể sẽ tăng lên đáng kể nếu quốc gia này giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan thành công và tận dụng các quy tắc xuất xứ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng một khi RCEP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh cả trong nước và thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, chính phủ cũng phải lưu ý cẩn thận về các chi phí liên quan đến RCEP.

Thoả thuận thương mại RCEP được ký kết tại Hà Nội vào tháng 11/2021 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. RCEP bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. 15 quốc gia này chiếm gần 1/3 tổng GDP, cũng như dân số toàn cầu và 1/4 thương mại hàng hóa toàn cầu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG