Đường dẫn truy cập

Triều Tiên báo cáo ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 khi dịch ‘bùng nổ’


Hình ảnh từ kênh KRT cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đeo khẩu trang trong cuộc phỏng vấn về ca nhiễm COVID-19 được báo cáo đầu tiên tại Bình Nhưỡng vào ngày 12/5/2022.
Hình ảnh từ kênh KRT cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đeo khẩu trang trong cuộc phỏng vấn về ca nhiễm COVID-19 được báo cáo đầu tiên tại Bình Nhưỡng vào ngày 12/5/2022.

Ít nhất một người được xác nhận đã chết vì nhiễm COVID-19 ở Triều Tiên và hàng trăm ngàn người có các triệu chứng sốt, truyền thông nhà nước cho biết hôm 13/5, gợi ý về quy mô nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch đầu tiên được xác nhận ở nước này.

Dữ liệu thể hiện sự thừa nhận chưa từng có về một đợt bùng phát đang “bùng nổ” ở một quốc gia chưa từng báo cáo về ca nhiễm nào trước đó kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này, theo Reuters, có thể đánh dấu một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng đối với quốc gia biệt lập.

Tân tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol, người vừa nhậm chức trong tuần này, có kế hoạch cung cấp vaccine COVID-19 và các hỗ trợ y tế khác cho người dân Triều Tiên, và chính phủ của ông sẽ thảo luận chi tiết với Bình Nhưỡng, người phát ngôn của ông cho biết hôm 13/5 mà không nói rõ chi tiết.

Ông Yoon nói với các phóng viên sau đó trong ngày 13/5 rằng ông định đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán ở cấp làm việc với Triều Tiên thông qua Bộ thống nhất của nước này, nơi xử lý các vấn đề liên Triều, kênh News1 của Hàn Quốc cho biết.

Theo các chuyên gia, với khả năng xét nghiệm hạn chế của Triều Tiên, những con số được công bố cho đến nay có thể chỉ chiếm một phần nhỏ các ca nhiễm bệnh, có thể dẫn đến hàng ngàn ca tử vong tại một trong hai quốc gia trên thế giới không có chiến dịch tiêm chủng COVID-19.

Hãng thông tấn KCNA đưa tin, khoảng 187.800 người đang được điều trị cách ly sau khi cơn sốt không rõ nguồn gốc “bùng nổ lan rộng trên toàn quốc”.

Khoảng 350.000 người đã có dấu hiệu của cơn sốt đó, bao gồm 18.000 người mới báo cáo các triệu chứng tương tự hôm 12/5, KCNA cho biết.

Khoảng 162.200 người đã được điều trị, nhưng không nói rõ có bao nhiêu người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

KCNA cho biết ít nhất 6 người có các triệu chứng sốt đã chết, một trong số đó được xác nhận là đã nhiễm biến thể Omicron của virus corona.

Chuyên gia Kee Park của Trường Y Harvard, người từng thực hiện các dự án chăm sóc sức khỏe ở Triều Tiên, cho biết nước này đã tiến hành xét nghiệm khoảng 1.400 người mỗi tuần. Con số này không thể đủ để khảo sát 350.000 người có triệu chứng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến thăm trung tâm chỉ huy chống virus hôm 12/5 để kiểm tra tình hình và các phản ứng sau khi ban bố “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất” và ra lệnh phong toả quốc gia, KCNA cho biết.

Truyền thông nhà nước nói đợt bùng phát bắt đầu ở thủ đô Bình Nhưỡng vào cuối tháng 4 mà không nói rõ nguyên nhân tiềm ẩn. Thành phố đã tổ chức một số sự kiện công cộng lớn vào ngày 15 và 25/4, bao gồm một cuộc diễu hành quân sự và các cuộc tụ họp lớn, nơi hầu hết mọi người không đeo khẩu trang.

KCNA cho biết các cơ quan y tế đang cố gắng tổ chức các hệ thống xét nghiệm và điều trị cũng như tăng cường công tác khử trùng.

Sự lây lan nhanh chóng của virus đề ra khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn ở một quốc gia thiếu nguồn lực y tế và đã từ chối sự trợ giúp của quốc tế trong việc tiêm chủng trong khi vẫn đóng cửa biên giới.

Các nhà phân tích cho biết đợt bùng phát có thể làm trầm trọng thêm tình hình lương thực vốn đã khó khăn của nước này trong năm nay, khi việc phong toả cản trở “cuộc chiến toàn lực” chống hạn hán và huy động lao động.

Năm ngoái, Triều Tiên cho biết họ đã phát triển thiết bị phản ứng chuỗi polymerase (PCR) của riêng mình để xét nghiệm COVID. Nhưng nước này đã từ chối nguồn cung cấp vaccine từ chương trình chia sẻ toàn cầu COVAX và từ Trung Quốc, có thể khiến phần lớn người dân trong một xã hội tương đối trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời kêu gọi giúp đỡ nào trong việc chống lại tình trạng bùng phát dịch. Nhưng một số nhà quan sát lạc quan rằng tiết lộ này là một tín hiệu cho thấy chính phủ sẽ sớm chấp nhận vaccine hoặc các khoản viện trợ khác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ không có kế hoạch gửi vaccine tới Triều Tiên nhưng ủng hộ các nỗ lực quốc tế để cung cấp viện trợ cho những người dễ bị tổn thương ở đó, và thúc giục Bình Nhưỡng tạo điều kiện cho công việc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG