Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm, Kiribati nói chỉ tập trung vào thương mại, không phải an ninh


Tổng thống Kiribati, Taneti Mamau (trái), và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự một cuộc họp báo sau khi khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Hoa Kỳ, vào ngày 27/9/2019.
Tổng thống Kiribati, Taneti Mamau (trái), và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự một cuộc họp báo sau khi khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Hoa Kỳ, vào ngày 27/9/2019.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa dừng chân ở Kiribati hôm thứ Sáu (27/5) để thăm đảo quốc xa xôi trong khuôn khổ chuyến công du Thái Bình Dương mà Bắc Kinh hy vọng sẽ đặt nền móng cho một hiệp ước thương mại và an ninh khu vực. Động thái này khiến Hoa Kỳ và các đồng minh cảnh giác, theo Reuters.

Ông Vương đã gặp người đồng cấp và Tổng thống Kiribati, Taneti Maamau, để thảo luận về ngư nghiệp, giáo dục và y tế, trong 4 giờ có mặt tại đây.

Hầu hết phái đoàn đông người Trung Quốc đi cùng ông Vương Nghị vẫn ở lại sân bay, do các hạn chế về COVID ở quốc gia nhỏ bé có dân số 120.000 người, trải dài trên 33 hòn đảo, một quan chức Kiribati cho biết.

Ông Vương đã đến thẳng đây từ Honiara, thủ phủ của quần đảo Solomon, nơi dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông.

Quần đảo Solomon gần đây đã ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc bất chấp sự phản đối từ Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và New Zealand, những nước lo ngại nó có thể khiến Trung Quốc hiện diện quân sự trong khu vực.

Kiribati tập trung vào các cơ hội thương mại và du lịch với Trung Quốc, và không quan tâm đến một thỏa thuận an ninh, theo một quan chức Kiribati, người không được phép nói chuyện với truyền thông.

Quan chức này cho biết kế hoạch gây tranh cãi nhằm mở lại khu vực biển được bảo tồn cho đánh bắt cá và nâng cấp đường băng trên đảo Canton, không nằm trong số các thỏa thuận sắp được ký kết.

Kể từ khi chuyển đổi công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019, Kiribati nói họ sẽ mở một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới để đánh bắt cá, Khu bảo tồn Quần đảo Phượng Hoàng rộng 400.000 km2.

Các nhà lập pháp Kiribati nói với Reuters vào năm ngoái rằng họ cũng sẽ xem xét kế hoạch của Trung Quốc trong việc nâng cấp một đường băng đã không còn sử dụng từ Thế chiến thứ hai, mà các nhà phê bình phương Tây cho rằng sẽ cung cấp cho Bắc Kinh một vị trí chỉ cách bang Hawaii của Hoa Kỳ khoảng 3.000 km (1.860 dặm) về phía tây nam. Kiribati nói đây sẽ là một dự án phi quân sự được thiết kế để thúc đẩy du lịch.

Global Times, một tờ báo tiếng Anh được xuất bản bởi tờ Nhân dân Nhật báo chính thức của Đảng Cộng sản cầm quyền, đưa tin rằng một lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã được ký kết, cũng như các thỏa thuận hợp tác về thương mại, năng lượng tái tạo và kiểm tra hải quan.

Chính phủ Kiribati cho biết họ sẽ công bố thông tin chi tiết về chuyến thăm sau đó.

Ông Vương sẽ tổ chức một cuộc họp của các ngoại trưởng Thái Bình Dương tại Fiji vào tuần tới, nơi Trung Quốc sẽ tìm kiếm thỏa thuận về một hiệp ước thương mại, thủy sản và an ninh sâu rộng.

Một dự thảo thông cáo chung và kế hoạch hành động 5 năm được Trung Quốc gửi tới 10 hòn đảo ở Thái Bình Dương trước cuộc họp đã gây ra sự phản đối từ ít nhất một trong những quốc gia được mời là Liên bang Micronesia.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Australia đang có những chuyến thăm cạnh tranh nhau tới các đảo ở Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Australia, Penny Wong, đã gặp Thủ tướng Frank Bainimarama của Fiji hôm thứ Sáu, và sau đó viết trên Twitter rằng “đoàn kết khu vực chưa bao giờ quan trọng hơn”.

Bà Wong nói với các phóng viên rằng bà đã đến Fiji vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức để thể hiện sự ưu tiên của tân chính phủ Úc đối với Thái Bình Dương và vấn đề biến đổi khí hậu.

Fiji hôm thứ Sáu đã tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trở thành quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên trong kế hoạch nằm trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Khi được hỏi về việc Fiji đăng ký vào IPEF, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm thứ Sáu rằng châu Á - Thái Bình Dương “không nên trở thành một bàn cờ địa chính trị”.

Ngoại trưởng Wong của Australia cảnh báo rằng có những hậu quả trong khu vực đối với hiệp ước an ninh của Quần đảo Solomon với Trung Quốc, sau khi người đồng cấp Trung Quốc của bà nói rằng sự can thiệp vào thỏa thuận sẽ thất bại và mối quan hệ của Trung Quốc với Honiara là một hình mẫu cho khu vực.

Ngoại trưởng Vương Nghị hôm thứ Sáu nói Trung Quốc sẽ giúp các quốc đảo Thái Bình Dương phát triển kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG