Đường dẫn truy cập

Điểm chung của vụ Watergate 50 năm trước và vụ 6/1/2021: Thèm khát quyền lực


Hạ viện Mỹ điều trần về vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Hạ viện Mỹ điều trần về vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021.

Sự tàn phá của vụ Watergate và vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 cách nhau nửa thế kỷ nhưng đều có căn nguyên là sự thèm khát quyền lực tự cổ chí kim, phải giành lấy nó bằng bất cứ giá nào.

Hai vị tổng thống, gian xảo và thô tục, đã cố gắng chơi ăn gian, rê dắt qua nền dân chủ.

Cả hai vụ này đều vẫn còn những điều chưa sáng tỏ khi cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ về cuộc bạo loạn hôm 6/1/2021 tại Điện Capitol cũng trùng với dịp tuần này đánh dấu tròn 50 năm từ khi xảy ra vụ Watergate.

Liệu có thể tìm thấy tang chứng rõ mười mươi về các hành vi lừa dối của ông Donald Trump không? Hay chúng ta đã thấy điều đó rồi khi ông ta quy tụ được những ủng hộ viên tức tối cùng có mặt vào một thời điểm “điên cuồng” ở Washington, kêu gọi họ “chiến đấu tới bến”, và còn lầm bầm cho rằng có lẽ vị phó tổng thống của ông ta - một trong số ít những người nói “không” trong bộ sậu vâng lời của ông ta - đáng bị treo cổ đúng như yêu cầu của những người có tư tưởng bạo loạn?

Ông Trump đã thua trong cuộc bầu cử và tìm cách bám lấy quyền lực. Nhưng ông Nixon thì sao? Một câu hỏi quan trọng có lẽ là tại sao ông ta lại mất công làm trái luật.

Con đường tái đắc cử của ông Nixon khi đó đang rất thuận lợi thì xảy ra vụ những kẻ vụng về có liên quan đến ban vận động tranh cử của ông ta đã đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ tại tòa nhà văn phòng Watergate vào một ngày thứ Sáu hồi 50 năm trước và bị tóm gọn.

Người ta lật tẩy ra hết chuyện này đến chuyện khác về việc ông ta cố gắng che đậy và cản trở công lý, đã khiến ông ta phải rời quyền lực sau đó gần hai năm. Ông ta từ chức vì phải đối mặt với khả năng sẽ có phán quyết “có tội” trong một phiên tòa luận tội. Ba nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã đến Nhà Trắng và góp phần thuyết phục ông ta rằng sự nghiệp của ông ta sẽ tiêu tan.

Ngược lại, ông Trump đã cố sống cố chết. Khi bị thua rõ ràng trong cuộc bầu cử năm 2020, ông điều động phường hề của mình - các luật sư, phụ tá, những kẻ bám theo hưởng sái - cũng như đám đông bạo lực tại Điện Capitol để tìm cách đảo ngược kết quả và duy trì chức vụ của ông ta. Rất ít người trong cùng đảng của ông ta đã công khai thúc giục ông chấp nhận thất bại.

Watergate là vụ bê bối gắn với tổng thống Mỹ nhưng nó cũng là thước đo mọi điều khác. Nó đã hạ bệ một tổng thống. Ấy thế nhưng vụ ngày 6/1 đã dẫn đến đổ máu.

Watergate đã có hậu quả lớn, dẫn đến tình trạng đảng Cộng hòa có hàng chục người loại ra khỏi Quốc hội vào năm 1974. Lần này, gần như có sự nhất trí rằng đảng này sẽ thu lợi.

Michael Dobbs, tác giả sách “Vua Richard: Nixon và Watergate - Bi kịch nước Mỹ” từ năm 2021, nói rằng hệ thống của nước Mỹ đã phát huy tác dụng trong vụ Watergate vì Quốc hội, tòa án và báo chí đã làm tốt công việc của họ trong việc chứng minh về một chuỗi các hoạt động tội phạm khiến ông Nixon phải từ chức.

“Khi đó hệ thống đã phải gồng mình. Nhưng ngày nay, nó đang chịu áp lực còn lớn hơn nhiều”, ông nói.

Khi ủy ban về vụ Watergate của Thượng viện tiến hành các cuộc điều trần mang tính bước ngoặt bắt đầu vào tháng 5/1973, lạm phát sắp lên đến 9% vào cuối năm, gần giống như mức lạm phát hiện nay. Thị trường chứng khoán sụp đổ. Khi đó, cũng như bây giờ, người dân còn có những mối lo khác.

Nhưng người dân Mỹ đã chăm chú theo dõi cảnh tượng một tổng thống đang dần chìm nghỉm trong nỗi ô nhục. Hơn 70% số người nói với một cuộc thăm dò của Gallup rằng họ đã xem các phiên điều trần trên truyền hình kéo dài trong gần 3 tháng của mùa hè năm đó.

Cho đến nay, các phiên điều trần về vụ ngày 6/1 không tập trung nhiều vào việc các nhà điều tra phát hiện các tình tiết mới, mà chủ yếu là để họ công bố và kể về những gì họ đã phát hiện ra trong nhiều tháng làm việc bài bản.

Đối với Dobbs, bằng chứng về việc ông Trump trực tiếp tham gia lên kế hoạch hoặc kích động bạo loạn với ý định lật ngược cuộc bầu cử sẽ tập hợp lại thành tang vật giống như những gì đã chứng minh về Nixon.

Cuộc điều tra vụ 6/1 và bất kỳ hoạt động truy tố nào có thể diễn ra sau đó có cái khó ở chỗ “Xét theo pháp luật, các tuyên bố của ông Trump có tính chất mập mờ. ‘Chiến đấu tới bến’ có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau", ông Dobbs nói.

Khi công bố lời khai chứng được ghi lại từ trước của các cộng sự thân cận dưới quyền ông Trump, ủy ban đã làm sáng tỏ được việc bộ sậu của ông Trump thừa biết rằng chuyện ông ta cứ khăng khăng rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp là hoàn toàn nói sai. Ngay cả cô con gái Ivanka Trump của ông ta cũng không tin.

Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền ông Trump, ông William Barr, đã khai chứng rằng các lập luận của vị tổng thống hẳn là "tách rời khỏi thực tế" nếu như ông ta thực sự tin vào chúng.

Đó là những lời nói phũ phàng nhưng có tác dụng gì đâu?

Cái tư tưởng chối bỏ kết quả bầu cử của ông Trump vẫn lan truyền trong các cuộc tranh cử của các đảng viên Cộng hòa cực hữu trong mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, một số trong những người đó đang chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Chắc chắn là các cuộc điều trần sẽ không thể đặt được dấu chấm hết cho những lời nói dối của ông Trump.

Học giả ngành chính trị Cal Jillson thuộc Đại học Southern Methodist nói: “Bản chất của ông Trump là không bỏ qua những lời chỉ trích. Vì vậy, nhiều khả năng là sẽ có ngày càng nhiều những lời lẽ ăn miếng trả miếng, danh sách kẻ thù ngày càng dài ra và một chương trình trả thù sẽ kéo dài trong tương lai”.

Vẫn nhà học giả nói tiếp: “Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa khác sẽ suy nghĩ về những thiệt hại mà điều này có thể gây ra cho đảng, nhưng đến nay, chưa có một Howard Bakers mới hiện ra”.

Ông Baker đã nhân cách hóa nền chính trị thời trước ở trong Quốc hội Mỹ, ông có quan điểm theo đảng phái nhưng không độc địa. Ông giống như là Dân biểu Liz Cheney của thời đại ngày nay, nhưng ở thời của ông, ông đang thăng tiến trong đảng Cộng hòa, chứ không phải là người bị ruồng bỏ như nữ dân biểu đang bấp bênh của bang Wyoming, bà tỏ ra khinh thường ra mặt đối với ông Trump và những người trong cùng đảng Cộng hòa không dám gạch tên ông ta.

Ban đầu, ông Baker trung thành với ông Nixon theo bản năng - “Tôi là bạn của anh”, ông nhớ lại đã nói như vậy với ông Nixon, mặt đối mặt, khi các cuộc điều trần bắt đầu. Nhưng với tư cách là đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong ủy ban điều tra về Watergate, ông đã lắng nghe, chất vấn, tìm hiểu sâu hơn trong hàng trăm giờ điều trần và nhìn thấy sự tha hóa.

Câu hỏi nổi tiếng của ông - "Tổng thống đã biết điều gì và ông ấy biết điều đó khi nào?" - thực sự có ý bảo vệ cho tổng thống, bởi vì ông Baker tiên liệu là câu trả lời sẽ không có gì nhiều.

“Tôi đã tin rằng đó là một mưu đồ chính trị của đảng Dân chủ, rằng nó sẽ chẳng đi đến đâu. Nhưng vài tuần sau đó, tôi bắt đầu nhận ra rằng hóa ra có nhiều chuyện hơn tôi đã tưởng, và nhiều chuyện không đúng ý tôi”, ông Baker nói với hãng tin AP vào năm 1992.

Sự kiên trì và sức nặng trong cách đặt câu hỏi của ông đã khiến vị thượng nghị sĩ lịch sự nhẹ nhàng này của bang Tennessee trở thành người được nhân dân mến mộ.

Ủy ban về Watergate gồm 4 đảng viên Dân chủ và 3 đảng viên Cộng hòa được thành lập bằng một cuộc bỏ phiếu nhất trí tại Thượng viện. Ủy ban được giao nhiệm vụ điều tra vụ Watergate và về “mọi hành vi bất hợp pháp, không đúng đắn hoặc phi đạo đức khác” trong chiến dịch tranh cử năm 1972.

Ngược lại, ủy ban về vụ ngày 6/1 của Hạ viện được thành lập với số phiếu 222-190. Chỉ có hai đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu thuận cho ủy ban, là bà Cheney và Dân biểu sắp nghỉ hưu Adam Kinzinger của bang Illinois. Họ cũng được đưa vào tham gia ủy ban.

Trong khi ông Trump to tiếng nói ra những lời bất bình và khiêu khích của mình, thì ông Nixon lại tỏ ra kín tiếng hoặc giữ riêng trong lòng những gì ông ấy suy nghĩ. Chính hệ thống ghi âm của Nhà Trắng mà ông Nixon cho lắp đặt để ông nghe lại đã hại ông, khi Tối cao Pháp viện buộc ông phải nộp lại các cuốn băng.

Trong một cuộc trò chuyện ngày 23/6/1972, 6 ngày sau vụ đột nhập, băng ghi âm cho thấy chánh văn phòng của Nixon, H.R. Haldeman, đề nghị với Nixon rằng nên nói với FBI hủy bỏ cuộc điều tra về vụ đột nhập trước khi FBI có thể lần ra rằng những tên tội phạm có dính dáng đến Nhà Trắng hoặc chính Nixon.

"Có một số việc ở đây mà chúng tôi không muốn ông tiếp tục thêm nữa", Haldeman đề nghị nên nói như vậy với giám đốc của FBI.

“Ừm ừm”, Nixon nói, "Ừm ừm".

“Thôi được. Chơi rắn hả. Đó là cách họ chơi và đó là cách chúng tai sẽ chơi", Nixon kết luận

Đó chính là tang chứng rõ ràng, là hành vi có mục đích cản trở công lý.

Một ngày sau vụ đột nhập, AP tường thuật rằng một trong những tên đột nhập là một quan chức an ninh được trả lương nằm trong ban vận động tranh cử của Nixon, manh mối đầu tiên về sự dính líu đến tổng thống và là một điều đã khiến cảnh sát và các công tố viên ngạc nhiên.

Bob Woodward và Carl Bernstein sau đó đã xác nhận tin này cho báo Washington Post trước khi lật tẩy những người khác với loạt bài độc quyền gây chấn động của họ về vụ Watergate, khẳng định chắc chắn về hành vi che đậy của tổng thống.

Giờ đây Bernstein nói rằng những người hùng gắn với vụ Watergate chủ yếu không phải là những nhà báo vạch trần hành vi sai trái của Nixon hay những người thuộc đảng Dân chủ đã dẫn đầu cuộc điều tra, mà là “những người thuộc đảng Cộng hòa can đảm nói rằng chuyện này không phải là về ý thức hệ, mà đây là về sự bất hợp pháp”.

Trong tất cả những năm sau này, vẫn chưa rõ ai đã ra lệnh đột nhập. Không có bằng chứng nào cho thấy Nixon đã trực tiếp ra lệnh, mặc dù có thể thấy rõ là ông ta đã che đậy và chơi xấu.

Nixon đã tạo ra “thứ văn hóa hoang tưởng” sinh ra Watergate, học giả Dobbs nói. Ông nói tiếp: “Âm mưu đó đã tự nó lớn dần, được thúc đẩy bởi những kẻ thừa hành điên rồ như Gordon Liddy tự đoán ý muốn của tổng thống và cầm đèn chạy trước ô tô”.

50 năm nữa, người Mỹ sẽ nói gì về ngày 6/1/2021?

Nhà sử học Michael Beschloss, trong bài bình luận trên Twitter về các phiên điều trần, cho rằng câu trả lời phụ thuộc vào việc nước Mỹ ở thời điểm tương lai đó vẫn là đất nước dân chủ hay sẽ là nhà nước chuyên chế. “Nếu là trường hợp sau, các nhà lãnh đạo chuyên chế của quốc gia có thể kỷ niệm ngày 6/1 là một trong những ngày trọng đại trong lịch sử Hoa Kỳ”, như ông Trump đã mô tả lúc này.

Nhà sử học cũng đặt ra một câu hỏi mà không bao giờ có thể trả lời dứt khoát: "Điều gì sẽ xảy ra với đất nước chúng ta nếu cuộc đảo chính ngày 6/1 thành công?"

(AP)

VOA Express

XS
SM
MD
LG