Đường dẫn truy cập

Chuyên gia LHQ: ASEAN nên nghĩ lại cách tiếp cận với khủng hoảng Myanmar


Tom Andrews, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, tại họp báo ở Kuala Lumpur, Malaysia, 23/6/2022.
Tom Andrews, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, tại họp báo ở Kuala Lumpur, Malaysia, 23/6/2022.

Một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc nói hôm thứ Năm 23/6 rằng khối các nước Đông Nam Á ASEAN nên xem xét lại cách tiếp cận của họ trong việc hợp tác với Myanmar và yêu cầu phải có các hành động và khung thời gian cụ thể để chấm dứt xung đột ở quốc gia đang bị quân đội cai trị.

Báo cáo viên Đặc biệt về Nhân quyền, Tom Andrews, cũng kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ bắt tay làm việc một cách chính thức hoặc không chính thức với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG) đang hoạt động ngầm ở Myanmar để giúp đỡ cho tình hình nhân đạo.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên đang chia rẽ về cách ứng phó với Myanmar, nơi quân đội đã lật đổ chính phủ dân cử vào năm ngoái và kể từ đó đã đàn áp tàn bạo các đối thủ.

Ngay sau cuộc đảo chính, các thành viên ASEAN, gồm cả Myanmar, đã đi đến một thỏa thuận để khôi phục hòa bình, nhưng tiến trình thực thi diễn ra chậm chạp, yếu kém.

“Bản thỏa thuận thật vô nghĩa nếu nó chỉ nằm trên giấy”, ông Andrews nói trong một cuộc họp báo sau chuyến đi kéo dài 6 ngày tới Malaysia, một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất ở trong khu vực về chính quyền quân sự Myanmar.

Vẫn ông Andrew nói tiếp: “Sau một năm thiếu tiến triển, chúng ta hãy suy nghĩ lại về cách tiếp cận này bằng cách bổ sung một chiến lược để thực thi cách tiếp cận đó”. Đồng thời, ông nói thêm rằng các nước ASEAN nên lắng nghe lời kêu gọi của Malaysia về việc hãy hành động nhiều hơn nữa.

Cuối năm ngoái, ASEAN đã có bước đi bất thường khi loại các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar ra khỏi hội nghị cấp cao khu vực vì không tôn trọng thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, kể từ đó, nước chủ tịch đương nhiệm Campuchia đã có những hành động xoa dịu đối với chính quyền Myanmar, bao gồm cả việc mời bộ trưởng quốc phòng Myanmar dự một hội nghị khu vực hôm 22/6, bất chấp những lời chỉ trích từ các nhà hoạt động.

Các nước cũng bị chia rẽ về việc giao thiệp với NUG, là một liên minh của các nhóm chống chính quyền đang ẩn náu hoặc tự đi lưu vong. Ông Andrews gọi NUG là một "pháp nhân chính danh".

"Nhìn nhận một cách thực tế ... NUG nắm rất nhiều thông tin, có thể có giá trị sử dụng cực kỳ lớn đối với những quốc gia đang muốn cung cấp viện trợ nhân đạo", ông nói.

Chính quyền của giới quân sự Myanmar đã đặt NUG ra ngoài vòng pháp luật với cáo buộc NUG là bọn "khủng bố" và đề nghị các nước không làm việc với họ.

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG