Đường dẫn truy cập

Tp.HCM/COVID-19: Người dân phản ứng tiêu cực về việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4


Một phụ nữ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam, hồi tháng 3/2021 (ảnh tư liệu).
Một phụ nữ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam, hồi tháng 3/2021 (ảnh tư liệu).

Bộ máy y tế tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết ít người dân của thành phố đồng ý tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin ngừa COVID-19, theo báo chí trong nước trong một vài ngày gần đây.

VOA quan sát thấy trên mạng xã hội, nhiều người nói họ phản đối việc chính quyền ép dân tiêm vắc xin, một số thậm chí nêu nghi vấn phải chăng đây là mưu đồ tiêu thụ vắc xin giống như vụ scandal Việt Á bắt tay với các cơ quan y tế để tiêu thụ các bộ xét nghiệm COVID-19 đã xảy ra trước đây.

Các báo và trang tin trong đó có Tuổi Trẻ và VietnamNet đưa tin hôm 26/6 rằng nhiều cán bộ y tế của Tp.HCM gặp khó khăn khi vận động, tuyên truyền hoặc đặt bàn tiêm vắc xin ở các khu dân cư. Chỉ có ít người đồng ý tiêm mũi 3, mũi 4, các báo cho hay.

Ủy ban Nhân dân Tp.HCM hôm 24/6 đã ra văn bản yêu cầu các địa phương trong thành phố “tiêm hết vắc xin đã được phân bổ, không để xảy ra tình trạng hủy vắc xin do hết hạn sử dụng”. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng nêu rõ rằng những người dân đã được vận động tiêm mà không đồng ý tiêm “phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh”.

Yêu cầu này của chính quyền thành phố đã gây ra những phản ứng bất bình trong dư luận, theo quan sát của VOA.

Nổi bật trong những tiếng nói phản biện lại chính quyền là những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, gồm các ông, bà Hoàng Nguyên Vũ, Lê Hoài Anh, Nguyễn Sơn, Võ Xuân Sơn, Phương Ngô, Hoàng Linh… có tổng cộng hàng triệu người theo dõi qua Facebook.

Ông Hoàng Nguyên Vũ cho rằng việc nhà chức trách bắt người dân cam kết là “bậy bạ”, “phản cảm”.

“Việc sống bình thường với dịch bệnh đã thực sự bắt đầu từ lâu”, ông Hoàng Nguyên Vũ viết, vì vậy, việc Bộ y tế đòi người dân phải chịu trách nhiệm về chuyện để lây lan dịch bệnh nếu họ không tiêm mũi 3, mũi 4 là một yêu cầu “hoàn toàn đi ngược lại với đời sống bình thường sau dịch bệnh”.

Facebooker có hơn 220.000 người theo dõi này cũng chất vấn liệu Bộ Y tế có cam kết được rằng nếu tiêm mũi 3, mũi 4 sẽ không nhiễm nữa hay không, và rằng có chắc chắn 100% không có tai biến y khoa nếu tiêm vắc xin vào hay không.

“Ai chịu trách nhiệm cho điều này? Và chịu trách nhiệm bằng cách nào? Nếu trả lời được 2 câu hỏi này, thì hãy yêu cầu dân tiêm”, ông Hoàng Nguyên Vũ viết trên trang cá nhân, nhận được hơn 6.000 sự tương tác từ người đọc.

Nhà báo kỳ cựu Hoàng Linh đưa ra quan điểm trên trang của ông rằng khi vắc xin hết hạn, hãy chấp nhận tiêu hủy. “Đó là cách ứng xử của nhà nước văn minh. Không thể tiêm cho bằng hết, bởi lẽ sức khỏe của người dân là quan trọng nhất”, nhà báo này nhấn mạnh.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn (Na Sơn), Facebooker có hơn 125.000 người theo dõi, và nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, với 1,3 triệu người theo dõi, liên hệ việc chính quyền thúc giục người dân tiêm vắc xin hiện nay với chương trình xét nghiệm hàng loạt hồi năm ngoái mà đã có kết cục là vụ scandal Việt Á thổi giá các bộ xét nghiệm làm cho hàng chục quan chức bị tống giam.

Bà Hoài Anh nhắc lại việc năm 2021 xảy ra việc “lùa dân thần tốc ngoáy mũi” và cho rằng dường như năm nay có tình trạng là “sợ thừa vắc xin hết hạn” nên mới có cảnh “ép dân chích”. Bà đưa ra cảnh cáo bóng gió “Củi ngoáy mũi còn tươi nha. Đừng đùa!”

Trong khi đó, ông Sơn đặt câu hỏi “Không biết đến khi nào lò mới đốt đến lĩnh vực vắc xin nhỉ? Que ngoáy mũi mà đã khủng như thế rồi”.

Cụm từ “ngoáy mũi” hàm ý nói đến việc xét nghiệm với các bộ xét nghiệm của Việt Á. Các từ “củi”, “đốt lò” lâu nay được nhiều người Việt dùng để lần lượt nói về những người bị bắt vì phạm tội tham nhũng và chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.

Các bài viết, ý kiến của những người có ảnh hưởng đó nhận được nhiều ủng hộ từ dư luận nói chung trong bối cảnh Việt Nam chỉ có vài trăm ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày trong 3 tuần gần đây.

VOA Express

XS
SM
MD
LG