Đường dẫn truy cập

Nhật Bản đăng cai duyệt binh ‘đoàn kết hải quân đa phương’ giữa căng thẳng ở Đông Á


Tàu khu trục đa năng Izumo của Nhật Bản đi đầu trong cuộc duyệt binh hải quân ở Vịnh Sagami, ngoài khơi Yokosuka, phía nam Tokyo, 6/11/2022.
Tàu khu trục đa năng Izumo của Nhật Bản đi đầu trong cuộc duyệt binh hải quân ở Vịnh Sagami, ngoài khơi Yokosuka, phía nam Tokyo, 6/11/2022.

Hôm Chủ nhật 6/11, Nhật Bản làm chủ nhà của cuộc duyệt binh hải quân quốc tế lần đầu tiên sau 7 năm, với sự tham gia của các con tàu từ 12 quốc gia khác nhằm thể hiện sự đoàn kết vào lúc Triều Tiên bắn số lượng tên lửa kỷ lục và Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Đài Loan.

Cuộc duyệt binh hải quân ở Vịnh Sagami gần Tokyo có 38 con tàu tham gia, trong đó, 18 tàu đến từ các nước bạn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh, Úc, Singapore, Ấn Độ và Thái Lan. Cùng tham gia là 33 phi cơ bay ở bên trên, bao gồm các máy bay tuần tra săn ngầm và máy bay trực thăng.

Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu trên tàu sân bay trực thăng Nhật Bản Izumo: “Chúng ta phải sẵn sàng trước những kẻ vi phạm luật lệ và những kẻ sẽ sử dụng vũ lực để chà đạp lên hòa bình và an ninh của các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia mới vào cuối năm và tăng cường mạnh mẽ khả năng quốc phòng của chúng tôi".

Ông Kishida đã tiếp đón các quan chức trên tàu Izumo trước khi bay tới tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ để gặp Đại sứ Mỹ Rahm Emanuel và các chỉ huy hải quân cấp cao.

"Điều khiến Trung Quốc khó chịu nhất là chúng tôi có các đồng minh, họ rất đông đảo và có mặt khắp mọi nơi", ông Emanuel nói sau khi tháp tùng ông Kishida thăm tàu Ronald Reagan.

Đảng Dân chủ Tự do của ông Kishida đã cam kết tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 5 năm.

Quyết định của Hàn Quốc tham gia sự kiện của Nhật Bản được đưa ra khi mối quan hệ giữa hai nước láng giềng được cải thiện sau những tranh cãi về việc bồi thường cho lao động thời chiến và phụ nữ người Hàn bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản, điều này đã đe dọa làm chệch hướng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước đồng minh của Hoa Kỳ.

Nhật Bản từ chối tham gia cuộc duyệt binh hải quân của Hàn Quốc vào năm 2018 sau khi Seoul yêu cầu Tokyo không treo cờ “mặt trời mọc”, vốn bị Hàn Quốc xem là biểu tượng về thời chiến tranh xâm lược của Nhật Bản. Tokyo đã từ chối mời Hàn Quốc tham gia một duyệt binh được lên kế hoạch hồi năm 2019.

Cả hai nước đã xích lại gần nhau hơn khi Triều Tiên tập trung vào các vụ phóng tên lửa.

Trung Quốc, vốn chỉ trích các kế hoạch chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản, đã từ chối lời mời tham gia cuộc duyệt binh. Nga không được mời vì họ xâm lược Ukraine.

(Reuters)

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG