Đường dẫn truy cập

G7 đề xuất gói tài chính 15 tỷ đô la cho Việt Nam để giảm sử dụng than


Mạng lưới điện sản xuất từ than ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Mạng lưới điện sản xuất từ than ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.

Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp phát triển (G7) mới đưa ra một đề nghị mới trị giá 15 tỷ đô la để Việt Nam cân nhắc và đưa ra ý kiến trong hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sử dụng khỏi than đá, ba nguồn nắm thông tin về các cuộc trao đổi nói với Reuters.

Việt Nam, vốn nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than hàng đầu thế giới, ban đầu dự kiến sẽ ký vào cái gọi là quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các quốc gia G7 tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP27 vào tháng 11, nhưng các cuộc đàm phán cấp cao đã đổ vỡ trước cuộc họp.

Để thuyết phục Việt Nam ủng hộ lời đề nghị, các nhà đàm phán phương Tây do Liên minh châu Âu và Anh dẫn đầu đã đề xuất một gói tài chính lớn hơn, trong đó có 7,5 tỷ đô la gồm gần như hoàn toàn từ các khoản vay từ lĩnh vực công và số tiền tương tự từ các khoản cam kết từ lĩnh vực tư nhân, nguồn tin cho biết.

Cả ba quan chức phương Tây, vốn không muốn nêu tên vì các cuộc đàm phán mật, cho biết rằng đây sẽ là đề nghị cuối cùng từ G7 trước hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu và các quốc gia Đông Nam Á tại Brussels vào ngày 14 tháng 12, mà các quan chức EU đã nhiều lần chỉ ra là thời hạn mới cho một thỏa thuận.

Đề xuất đã dần dần được tăng lên từ cam kết ban đầu chỉ là 2 tỷ đô la từ quỹ nhà nước cộng với sự hỗ trợ bổ sung chưa rõ là bao nhiêu từ lĩnh vực tư nhân. Không rõ liệu nó có thể tiếp tục được tăng thêm nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào tuần tới hay không.

Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Châu Âu đã không trả lời các yêu cầu bình luận qua email của Reuters.

Vẫn chưa rõ liệu Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận đề nghị gia tăng hay không, bởi vì những lo ngại chính của Việt Nam dường như chưa được giải quyết. Quốc gia Đông Nam Á này đã yêu cầu nhiều khoản tài trợ hơn, bởi vì nước này thường phản đối việc nhận các khoản vay lớn.

Một trong những nguồn tin cho biết cơ hội đạt được thỏa thuận vào tuần tới là "50/50". Một cuộc đàm phán đáng chú ý khác vẫn đang được tiến hành và con số cuối cùng vẫn có thể thay đổi một chút.

An ninh năng lượng của Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro do kế hoạch G7 tập trung vào năng lượng tái tạo, và điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện ở quốc gia đang phát triển mạnh mà không có dự phòng đáng tin cậy trong trường hợp sản lượng điện thấp từ các trang trại điện gió hoặc pin mặt trời.

Ngay sau khi chính quyền Việt Nam hủy các cuộc họp dự kiến diễn ra tại Hà Nội với các đặc phái viên về khí hậu hàng đầu của Hoa Kỳ và EU hồi tháng 11, theo các nguồn tin, Bộ Công nghiệp của nước này đã lưu hành một dự thảo mới cho các kế hoạch năng lượng dài hạn của mình, vốn thúc đẩy sử dụng than so với một phiên bản trước đó của tài liệu này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG