Đường dẫn truy cập

Chính quyền Myanmar trả tự do cho hơn 7.000 tù nhân được ân xá


Tướng Min Aung Hlaing tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập ở Naypyitaw, Myanmar, vào ngày 4/1/2023.
Tướng Min Aung Hlaing tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập ở Naypyitaw, Myanmar, vào ngày 4/1/2023.

Chính phủ quân sự Myanmar sẽ trả tự do cho 7.012 tù nhân theo lệnh ân xá để đánh dấu ngày độc lập của đất nước, đài truyền hình nhà nước MRTV đưa tin hôm thứ Tư (4/1), khi người đứng đầu chính quyền ca ngợi một số quốc gia đã duy trì sự hỗ trợ cho nước ông.

Quốc gia Đông Nam Á đã phải đối mặt với sự cô lập quốc tế và các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu kể từ khi quân đội giành chính quyền từ chính phủ dân cử dân chủ do khôi nguyên Nobel Aung Sang Suu Kyi lãnh đạo vào gần hai năm trước.

“Tôi muốn nói lời cảm ơn tới một số quốc gia và khu vực cũng như các tổ chức và cá nhân đã hợp tác tích cực với chúng tôi... giữa mọi áp lực, chỉ trích và tấn công”, Thượng tướng Min Aung Hlaing nói trong bài phát biểu đánh dấu lễ kỷ niệm ngày độc lập lần thứ 75 của Myanmar.

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Bangladesh. Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau vì sự ổn định và phát triển biên giới”, Tướng Min Aung Hlaing nói trong bài phát biểu tại một cuộc diễu hành ở thủ đô Naypyitaw, với các công chức vẫy cờ, binh lính diễu hành, với xe tăng và máy bay phản lực quân sự.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội nắm quyền từ chính phủ của bà Suu Kyi vào ngày 1/2/2021, giam giữ bà và các quan chức khác, đồng thời đáp trả các cuộc biểu tình và bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ bằng vũ lực tàn bạo, khiến hàng trăm nghìn người thất tán.

Trong khi các cuộc biểu tình trên đường phố hiếm khi xảy ra sau các cuộc đàn áp đẫm máu, thì quân đội gần như đụng độ hàng ngày với các lực lượng dân tộc thiểu số và tình trạng mất an ninh đã lan rộng ra nhiều vùng của đất nước khi các thành viên của cái gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân cầm vũ khí để đấu tranh giành lại dân chủ.

Trong khi đó, bà Suu Kyi gần đây bị kết án 5 tội danh tham nhũng và bị bỏ tù thêm 7 năm nữa, kết thúc một loạt các phiên tòa bị quốc tế lên án là các phiên toà bỏ túi được dàn dựng để ngăn chặn mối đe dọa lớn nhất của chính quyền quân sự giữa bối cảnh sự phản kháng đối với sự cai trị của chính quyền đang lan rộng trong nước.

Bà Suu Kyi đang bị biệt giam trong nhà tù ở Naypyitaw và quân đội khẳng định bà nhận được thủ tục tố tụng hợp lệ bởi một tòa án độc lập.

Chính quyền thường phóng thích một số tù nhân để đánh dấu ngày Myanmar tuyên bố độc lập khỏi ách thống trị của Anh.

MRTV cho biết đợt ân xá mới nhất không bao gồm những người bị kết tội giết người và hãm hiếp, hoặc bị bỏ tù vì các tội liên quan đến chất nổ, những mối liên hệ bất hợp pháp, vũ khí, ma túy, quản lý thiên tai và tham nhũng.

Hiện chưa rõ liệu có bất kỳ tù nhân chính trị nào sẽ được trả tự do hay không.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các quốc gia như Anh và Canada, đã áp các lệnh trừng phạt đối với quân đội Myanmar và các cá nhân được cho là đã giúp chính quyền quân sự lên nắm quyền.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng trước thông qua nghị quyết đầu tiên về Myanmar sau 74 năm, yêu cầu chấm dứt bạo lực và chính quyền quân sự phải trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì lý do chính trị.

Đề cập đến áp lực quốc tế, Tướng Min Aung Hlaing chỉ trích điều mà ông gọi là “sự cản trở từ các quốc gia và tổ chức muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar”.

Tuy vậy, chính quyền quân sự vẫn duy trì một số hỗ trợ quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn chia rẽ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, với việc Trung Quốc và Nga chống lại việc có hành động mạnh mẽ đối với Myanmar. Hai nước này cùng với Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng trước về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Thái Lan cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán khu vực vào tháng trước để thảo luận về cuộc khủng hoảng, bao gồm cả những lần xuất hiện quốc tế hiếm hoi của các bộ trưởng chính quyền quân sự, ngay cả khi một số thành viên chủ chốt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lên tiếng chỉ trích chính quyền và không tham dự.

ASEAN đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao hoà bình và các tướng lĩnh của Myanmar đã bị cấm tham gia các cuộc tụ họp cấp cao của khối vì đã không tôn trọng lời hứa bắt đầu đàm phán với các đối thủ có liên quan đến chính phủ bị lật đổ của bà Suu Kyi.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG