Đường dẫn truy cập

Trung Quốc, Nga tuần tra chung trên không, khiến Hàn Quốc đề phòng


Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của lực lượng không quân Nga tham gia cuộc tuần tra chung với máy bay ném bom Trung Quốc trên Thái Bình Dương vào tháng 11/2022.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của lực lượng không quân Nga tham gia cuộc tuần tra chung với máy bay ném bom Trung Quốc trên Thái Bình Dương vào tháng 11/2022.

Trung Quốc và Nga tiến hành một cuộc tuần tra chung trên không vào thứ Ba 6/6 phía trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông lần thứ sáu kể từ năm 2019, khiến nước láng giềng Hàn Quốc phải điều động máy bay chiến đấu.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói cuộc tuần tra là một phần trong kế hoạch hợp tác hàng năm của quân đội hai nước. Quân đội Hàn Quốc cho biết đã điều máy bay chiến đấu lên sau khi 4 máy bay quân sự của Nga và 4 máy bay của Trung Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc ở phía nam và phía đông bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc tuần tra chung trên không gần đây nhất của Trung Quốc với Nga vào tháng 11, Hàn Quốc cũng đã điều động máy bay chiến đấu sau khi máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc, máy bay ném bom TU-95 và máy bay chiến đấu SU-35 của Nga tiến vào Vùng nhận dạng phòng không (KADIZ) của Hàn Quốc.

Nhật Bản cũng điều động máy bay tương tự như vậy khi máy bay ném bom của Trung Quốc và hai máy bay không người lái của Nga bay vào Biển Nhật Bản.

Vùng nhận dạng phòng không là khu vực mà các quốc gia yêu cầu máy bay nước ngoài thực hiện các bước đặc biệt để báo cáo nhận dạng. Không giống như không phận của một quốc gia, là vùng trời phía trên lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia đó, các vùng nhận dạng phòng không ở trong tình trạng không có quy định ràng buộc về mặt quốc tế.

Bắt đầu diễn ra từ trước khi Nga đổ quân vào Ukraine và Bắc Kinh và Moscow tuyên bố về quan hệ đối tác “không giới hạn” của họ, các cuộc tuần tra chung trên không là kết quả của mối quan hệ song phương mở rộng lâu dài được xây dựng một phần dựa trên cảm giác chung là họ bị đe dọa từ phía Hoa Kỳ và các lực lượng liên minh.

Trong các cuộc tuần tra vào tháng 5/2022, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga đã đến gần không phận của Nhật Bản khi Tokyo tổ chức hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ gồm các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc, khiến Nhật Bản báo động mặc dù Trung Quốc cho biết các chuyến bay không nhằm vào bên thứ ba.

Sự lấn át về quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực diễn ra đồng thời với sự gia tăng các cuộc tập trận và diễn tập quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.

Kể từ tuần trước, lực lượng tuần duyên của Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận hải quân ba bên đầu tiên ở Biển Đông.

Nhà Trắng cho biết hôm 5/6 rằng các cuộc chạm trán gần đây giữa các lực lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông phản ánh sự hung hăng ngày càng tăng của quân đội Bắc Kinh, làm tăng nguy cơ xảy ra sai sót “khiến có người bị thương”.

Cuối tuần qua, một tàu chiến Trung Quốc đã áp sát khu trục hạm Hoa Kỳ trong phạm vi 137 mét trong khi hải quân Hoa Kỳ và Canada đang tiến hành một cuộc thao dượt chung ở eo biển Đài Loan nhạy cảm, làm dấy lên những lời phàn nàn về sự an toàn của cuộc diễn tập.

Trước đó không lâu, một đoạn video cho thấy một máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay qua trước mũi máy bay Mỹ và buồng lái của chiếc RC-135 bị rung lắc do nhiễu động từ chuyến bay gây ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 6/6: “Tàu và máy bay quân sự của Hoa Kỳ đã đi hàng ngàn dặm để khiêu khích Trung Quốc ngay trước cửa nhà”.

“Cứ đòi tiến hành trinh sát cự ly gần và phô trương sức mạnh gần hải phận và không phận của Trung Quốc, đấy không phải là bảo vệ quyền tự do hàng hải, mà là thúc đẩy bá quyền về hàng hải và là một hành động khiêu khích quân sự trắng trợn”, ông Uông nói.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG