Đường dẫn truy cập

ASEAN chật vật tìm kiếm thống nhất về xung đột Myanmar


Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Jakarta, Indonesia, vào ngày 11/7/2023.
Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Jakarta, Indonesia, vào ngày 11/7/2023.

Việc tìm kiếm sự thống nhất về cách đối phó với chính quyền quân sự của Myanmar tiếp tục thách thức các quốc gia Đông Nam Á vào thứ Năm (13/7), khi các bộ trưởng ngoại giao nhóm họp tại Jakarta chật vật để thống nhất trong một thông cáo chung có đề cập đến xung đột nội bộ của nước láng giềng.

Tập trung tại thủ đô Indonesia trong một cuộc họp thường niên, các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ đưa ra một thông cáo chung vào thứ Tư, nhưng đến chiều muộn ngày thứ Năm vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó.

Không rõ nguyên nhân của sự chậm trễ, nhưng một quan chức ASEAN cho biết một thông cáo đang được hoàn thiện và sẽ sớm được công bố.

ASEAN, bao gồm Myanmar trong số 10 thành viên, đã thúc đẩy nhưng không thành công việc thực hiện kế hoạch hòa bình 5 điểm đã được thống nhất với chính quyền quân sự Myanmar ngay sau cuộc đảo chính vào đầu năm 2021.

Không có đại diện nào của Myanmar góp mặt trong cuộc họp tuần này. Các quan chức của chính quyền quân sự đã bị cấm tham dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN do không có tiến triển trong kế hoạch trên, vốn kêu gọi ngừng bạo lực và đàm phán giữa quân đội và các đối thủ ủng hộ dân chủ.

Việc không thể gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với chính quyền quân sự đã làm dấy lên những nghi ngờ từ lâu về tính hiệu quả của ASEAN với tư cách là một khối chính trị trong khu vực.

Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai nói với các phóng viên rằng thông cáo chung “có lẽ chưa” được hoàn thiện và nói rằng nó “chắc phải phức tạp”.

Chủ tịch ASEAN Indonesia hôm thứ Tư kêu gọi các ngoại trưởng của nhóm tiếp tục đoàn kết trong việc giải quyết tình trạng bạo lực leo thang ở Myanmar.

Malaysia, quốc gia đã lớn tiếng chỉ trích chính quyền quân sự, kêu gọi ASEAN lên án mạnh mẽ các hành động của chính quyền quân sự, bao gồm cả bạo lực.

“Tôi đã thúc đẩy một tuyên bố mạnh mẽ hơn về vấn đề này được đưa vào thông cáo chung của hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN”, Ngoại trưởng Zambry Abdul Kadir cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Tư.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã trải qua thời kỳ cai trị của quân đội, và việc tránh chỉ trích các thành viên khác là một dấu hiệu ngoại giao của ASEAN trong nhiều năm.

ASEAN cũng sẽ tổ chức các cuộc họp trong tuần này với các đặc phái viên từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và các đối tác lớn khác.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã tham dự một cuộc họp của các đại diện từ ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm thứ Năm.

Những rạn nứt trong ASEAN về vấn đề Myanmar đã nổi bật lên khi Thái Lan mời các quan chức quân sự Myanmar đến dự một cuộc họp vào tháng trước nhằm “tái cam kết” với chính quyền quân sự.

Hầu hết các thành viên ASEAN không tham gia cuộc họp, điều mà Ngoại trưởng Thái Lan Don lên tiếng bênh vực, nói rằng đất nước ông đang gặp khó khăn về các vấn đề biên giới, thương mại và người tị nạn.

Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam đã tiếp cận với chính quyền quân sự Myanmar trong các cuộc đàm phán không chính thức vào năm ngoái, trong khi Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines từ chối tham gia.

Ngoại trưởng Don cho biết hôm thứ Tư rằng ông gần đây đã gặp cựu lãnh đạo đang bị bỏ tù của Myanmar là bà Aung San Suu Kyi. Ông là quan chức nước ngoài đầu tiên được phép tiếp cận khôi nguyên giải Nobel kể từ khi bà bị quân đội giam giữ hơn hai năm trước.

Ngoại trưởng Zambry của Malaysia nói bất kỳ nỗ lực hòa bình nào cũng phải tuân thủ sự đồng thuận năm điểm và không nên thực hiện một mình.

Ông cũng cho biết ông Don đã cố gắng tìm giải pháp thông qua đối thoại trong chuyến thăm Naypyitaw gần đây, nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào khác.

Indonesia, với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay, đang làm việc sau hậu trường để tập hợp tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Myanmar vào các cuộc đàm phán không chính thức, nhưng các nhà ngoại giao cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc đạt được tiến triển.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG