Đường dẫn truy cập

Nhà máy Fukushima bắt đầu xả nước thải ra biển, Trung Quốc cấm toàn bộ hải sản Nhật


Ảnh chụp từ trên không cho thấy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương, tại thị trấn Okuma, quận Fukushima, Nhật Bản, vào ngày 24/8/2023.
Ảnh chụp từ trên không cho thấy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương, tại thị trấn Okuma, quận Fukushima, Nhật Bản, vào ngày 24/8/2023.

Nhật Bản bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại vào Thái Bình Dương hôm thứ Năm (24/8), một động thái tranh cãi khiến Trung Quốc ra lệnh cấm ngay lập tức đối với tất cả thủy sản từ Nhật Bản.

Trung Quốc “rất quan ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do... thực phẩm và nông sản của Nhật Bản mang lại”, cơ quan hải quan Trung Quốc nói trong một tuyên bố.

Chính phủ Nhật Bản đã chuẩn thuận kế hoạch này hai năm trước và nó đã được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh vào tháng trước. Việc xả thải là một bước quan trọng trong việc ngừng hoạt động nhà máy Fukushima Daiichi sau khi nhà máy này bị trận sóng thần phá hủy vào năm 2011.

Nhà điều hành nhà máy Điện lực Tokyo (Tepco) cho biết việc xả nước thải bắt đầu lúc 1:03 chiều giờ địa phương và chưa thấy có bất kỳ điều bất thường nào.

Tuy nhiên, Trung Quốc nhắc lại sự phản đối kịch liệt đối với kế hoạch này và nói rằng chính phủ Nhật Bản chưa chứng minh được rằng nước xả ra sẽ an toàn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố: “Phía Nhật Bản không nên gây tổn hại thứ cấp cho người dân địa phương và thậm chí cả người dân trên thế giới vì lợi ích ích kỷ của chính mình”.

Ngược lại, Tokyo chỉ trích Trung Quốc truyền bá “những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học”.

Cơ quan này khẳng định việc xả nước là an toàn, đồng thời lưu ý rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng đã kết luận rằng tác động của nó đối với con người và môi trường là “không đáng kể”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên rằng Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản và đề nghị thảo luận về tác động của việc xả nước dựa trên cơ sở khoa học.

Nhật Bản xuất khẩu khoảng 600 triệu USD thủy sản sang Trung Quốc vào năm 2022, khiến Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản, đứng thứ hai là Hong Kong. Theo dữ liệu của chính phủ, doanh số bán sang Trung Quốc và Hong Kong chiếm 42% tổng xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản vào năm 2022.

Hải quan Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về các loại thủy sản cụ thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm và không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Nhà máy Fukushima Daiichi đã bị phá hủy vào tháng 3 năm 2011 trong trận động đất mạnh 9,0 độ richter tạo ra sóng thần mạnh gây tan chảy ba lò phản ứng.

Lần xả đầu tiên có tổng cộng 7.800 mét khối - tương đương với khoảng ba bể bơi Olympic - sẽ diễn ra trong khoảng 17 ngày.

Theo kết quả kiểm tra của Tepco công bố hôm thứ Năm, lượng nước chứa lên tới 63 becquerel triti mỗi lít, thấp hơn giới hạn nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 becquerel mỗi lít. Becquerel là một đơn vị đo độ phóng xạ.

IAEA cũng đưa ra tuyên bố cho biết phân tích độc lập tại chỗ của họ đã xác nhận nồng độ tritium thấp hơn nhiều so với giới hạn.

Tuy nhiên, các nhóm đánh cá Nhật Bản, vốn bị tổn hại nhiều năm qua do lo ngại về phóng xạ, vẫn phản đối kế hoạch này.

Riêng với Trung Quốc, Hong Kong và Ma Cao đã công bố lệnh cấm bắt đầu từ thứ Năm, bao gồm cả nhập khẩu thủy sản Nhật Bản từ 10 khu vực.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo nói lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và thủy sản của Fukushima sẽ được giữ nguyên cho đến khi những lo ngại của công chúng được xoa dịu.

Bộ trưởng môi trường Nhật Bản cho biết Nhật Bản sẽ tiến hành giám sát xung quanh khu vực xả nước và công bố kết quả hàng tuần bắt đầu từ Chủ nhật. Việc xả nước thải ước tính sẽ mất khoảng 30 năm.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG