Đường dẫn truy cập

Ngoại giao Trung Quốc nói gì về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình?


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15/12 đã dành phần lớn cuộc họp báo để nói về chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, Vương Nghị, ca ngợi chuyến công du đã đạt được những thành tựu to lớn và được phía Việt Nam đón tiếp “nồng hậu, ở mức độ trang trọng nhất và chưa từng có”.

“Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu một cột mốc mới trong mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước”, Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc (State Council) hôm 15/12 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, cũng là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói.

“Phía Việt Nam rất coi trọng chuyến thăm này và bày tỏ sự đón tiếp nồng hậu ở mức trang trọng nhất và chưa từng có”, ông Vương nói thêm và lưu ý việc đích thân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã ra tận sân bay để đón tiếp và tiễn đoàn Trung Quốc.

Những nhận xét trên của ông Vương Nghị cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, lặp lại trong cuộc họp báo ngày 15/12, và lưu ý thêm rằng “báo chí quốc tế đã theo sát chuyến thăm và tin tưởng rộng rãi rằng chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và hơn thế nữa, sẽ có tác động quan trọng và sâu rộng đến sự phát triển quan hệ giữa hai đảng, hai nước cũng như trên toàn bộ khu vực và thậm chí cả bối cảnh toàn cầu”.

Người đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tóm tắt 3 điểm nổi bật trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, bao gồm: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới.

“Điểm nổi bật của chuyến thăm là khi lãnh đạo hai đảng và hai nước đưa ra quyết định lịch sử quan trọng là xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai, mang ý nghĩa chiến lược”, bà Mao nói.

Đây được xem là “kết quả chính trị quan trọng nhất của chuyến thăm”, và là “kết quả tất yếu, phản ánh xu hướng của thời đại và phục vụ lợi ích cơ bản của hai đất nước, hai dân tộc”, vẫn theo lời bà Mao.

Bà Mao Ninh cũng không quên nhắc đến các sáng kiến mà Bắc Kinh đã nỗ lực lôi kéo các nước tham gia trong nhiều năm qua như: Sáng kiến Vành đai, Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu…, và khẳng định các sáng kiến toàn cầu này do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất “nhằm bảo vệ lợi ích chung của nhân loại”.

“Phía Việt Nam kiên quyết ủng hộ và sẽ tích cực tham gia các sáng kiến này”, người phát ngôn Mao Ninh nói, và thêm rằng phía Việt Nam xem việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược, “không bị quấy rầy, phá hoại bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào”.

“Điều này đặt nền tảng chính trị vững chắc cho việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai”, vẫn lời bà Mao.

Nội dung nổi bật thứ hai là việc hợp tác trên thực tế, trong đó có việc ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh, vận tải, kiểm dịch, quốc phòng, hợp tác hàng hải…

Nội dung thứ ba là “một chương mới được viết cho tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam”, bà Mao Ninh nói, và cho biết ông Tập Cận Bình đã lưu ý với phía Việt Nam rằng điều quan trọng là phải thực hiện “một cách tiếp cận có hệ thống” để thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai bên, cần tập trung vào lĩnh vực sinh kế, hợp tác về thanh niên để mối quan hệ hữu nghị là được truyền từ đời này sang đời khác, “cung cấp nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược”.

Theo người đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến thăm của ông Tập là một ví dụ sinh động về việc Trung Quốc theo đuổi ngoại giao láng giềng với tinh thần thân thiện, chân thành, cùng có lợi và toàn diện, cũng như một thực tiễn thành công khác của Tư tưởng Tập Cận Bình về Ngoại giao.

Trong khi phía Trung Quốc hết lời ca ngợi chuyến thăm, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ lên tiếng giải thích về “nội hàm Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”, một khái niệm gây tranh cãi trong giới ngoại giao, nghiên cứu và công luận tại Việt Nam.

“Trong Tuyên bố chung nước Cộng hòa xã hội chủ Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, hai bên nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại”, báo Lao Động dẫn lời người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói.

“Hai bên cũng nhất trí cho rằng phát triển quan hệ giữa hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế. Hai bên kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình”, vẫn theo lời bà Hằng.

“Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.

Bà lưu ý rằng những phương hướng hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới trên bình diện song phương và trong các vấn đề khu vực và toàn cầu đã được nêu cụ thể trong Tuyên bố chung giữa hai nước.

Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra chỉ 3 tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Việt Nam để nâng cấp mối quan hệ Mỹ-Việt lên mức cao nhất, ngang với Trung Quốc và Nga. Giới quan sát và nghiên cứu quốc tế cho rằng chuyến đi nhằm mục đích chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với quốc gia cộng sản ở Đông Nam Á.

Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng về mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế cho đến an ninh và các vấn đề quốc tế.

Mặc dù không nêu tên cụ thể, nhưng Chủ tịch Trung Quốc trong ngày công du cuối cùng ở Hà Nội đã nói với nói với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính: “Trung Quốc và Việt Nam nên cảnh giác và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rối loạn khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, China Daily tường thuật.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG