Đường dẫn truy cập

Triều Tiên hủy bỏ mọi hợp tác kinh tế với Hàn Quốc


Ảnh chụp một phiên họp của quốc hội Triều Tiên do hãng thống tấn KCNA công bố hôm 28/9/2023 (AFP PHOTO/KCNA VIA KNS).
Ảnh chụp một phiên họp của quốc hội Triều Tiên do hãng thống tấn KCNA công bố hôm 28/9/2023 (AFP PHOTO/KCNA VIA KNS).

Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Năm 8/2 rằng Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (tức quốc hội) đã bỏ phiếu hủy bỏ tất cả các thỏa thuận với Hàn Quốc về thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Quốc hội, là cơ quan thực hiện các bước chính thức để thông qua các quyết định về chính sách của Đảng Lao động cầm quyền, cũng đã bỏ phiếu bãi bỏ các luật về quan hệ kinh tế với Seoul, bao gồm cả luật đặc biệt về việc vận hành dự án du lịch Núi Kumgang (Kim cương).

Các chuyến tham quan đến ngọn núi tuyệt đẹp - nằm ngay phía bắc của đường biên giới ở phía đông - là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế đã bắt đầu trong thời kỳ có sự tương tác giữa hai miền Triều Tiên vào đầu những năm 2000, thu hút gần 2 triệu du khách Hàn Quốc.

Dự án bị đình chỉ vào năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc đi lạc vào khu vực cấm bị lính gác Triều Tiên bắn chết.

Hyundai Asan, một chi nhánh của tập đoàn Hyundai Group đã đầu tư hơn 750 tỷ won (564 triệu USD) để phát triển dự án Kumgang, từ chối bình luận với Reuters về tin của KCNA.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý mối quan hệ với Bình Nhưỡng, nói rằng hành động của Triều Tiên không có gì đáng ngạc nhiên và sẽ chỉ khiến nước này càng bị cô lập nhiều hơn mà thôi. Seoul không công nhận động thái đơn phương này, một quan chức nói thêm.

Bản tin của KCNA không đề cập đến luật đặc biệt của Triều Tiên về một dự án kinh tế chung lớn khác, là khu công nghiệp Kaesong, nơi mà vào thời kỳ đỉnh cao của nó đã có các nhà máy của 125 công ty Hàn Quốc và tuyển dụng 55.000 công nhân Triều Tiên.

Các công ty đã rút đi và khu nhà máy đóng cửa vào năm 2016 khi Seoul đình chỉ dự án sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ năm và phóng các tên lửa đạn đạo tầm xa.

Vào tháng 1, Hàn Quốc đã đóng cửa một quỹ nhà nước hỗ trợ việc phát triển và vận hành khu công nghiệp Kaesong, vào thời điểm đó được coi là dấu hiệu cho thấy Seoul cho rằng dự án khó có thể được hồi sinh.

Triều Tiên nói họ coi Hàn Quốc là kẻ thù trong chiến tranh và năm ngoái đã hủy bỏ một hiệp ước quân sự được ký vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng leo thang gần đường ranh giới quân sự được ký kết theo thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG