Đường dẫn truy cập

Các nước vùng Baltic phản đối danh sách chính trị gia bị Nga truy nã


Công nhân dỡ bỏ chiếc xe tăng T-34 của Liên Xô được lắp làm tượng đài ở Narva, Estonia, ngày 16/8/2022. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã dẫn đến làn sóng mới lật đổ những tượng đài cuối cùng còn sót lại của quân đội Liên Xô ở châu Âu.
Công nhân dỡ bỏ chiếc xe tăng T-34 của Liên Xô được lắp làm tượng đài ở Narva, Estonia, ngày 16/8/2022. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã dẫn đến làn sóng mới lật đổ những tượng đài cuối cùng còn sót lại của quân đội Liên Xô ở châu Âu.

Estonia, Latvia và Litva hôm thứ Tư (14/2) đưa ra các phản đối ngoại giao tới Moscow sau khi cảnh sát Nga đưa các chính trị gia hàng đầu của các nước vùng Baltic này vào danh sách truy nã vì liên quan đến việc phá hủy các di tích thời Liên Xô.

Ba quốc gia vùng Baltic từng nằm dưới sự cai trị của Moscow nhưng hiện là thành viên của Liên minh châu Âu và NATO. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, họ đã nổi lên thành những nước kiên quyết ủng hộ Ukraine và lên tiếng chỉ trích Nga.

Theo danh sách truy nã của Nga, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Ngoại trưởng Taimar Peterkop, cùng với Bộ trưởng Văn hóa Litva Simonas Kairys và khoảng 60 thành viên đương nhiệm và cựu thành viên quốc hội Latvia đều nằm trong danh sách truy nã của cảnh sát.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm thứ Ba cho biết các quan chức vùng Baltic bị cáo buộc “phá hủy tượng đài binh sĩ Liên Xô”, hành vi có thể bị phạt tù 5 năm theo bộ luật hình sự Nga.

Bộ Ngoại giao Latvia trong một tuyên bố cho biết họ đang hợp tác với EU để giải quyết vấn đề và đang tìm cách giảm thiểu mọi rủi ro cho công dân nước này.

“Bộ... sẽ tiếp tục duy trì, cùng với các đối tác EU và NATO cũng như với các nước khác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế, vấn đề về các vụ việc có động cơ chính trị và mục tiêu ngoài lãnh thổ của Nga”, bộ này nói thêm.

Trong khi đó, Litva yêu cầu gỡ bỏ các chính trị gia của nước này ra khỏi danh sách.

Bộ Ngoại giao Litva viết: “Những quyết định này của Nga mâu thuẫn với các chuẩn mực được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, cho thấy nỗ lực xuyên tạc quá khứ và thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với ký ức lịch sử của Litva”.

Estonia trong một tuyên bố cho biết các nhà ngoại giao của họ đã “bày tỏ sự phẫn nộ” và yêu cầu Điện Kremlin giải thích.

“Bộ Ngoại giao cũng đã thông báo với đại diện Nga rằng những bước đi này của nhà nước Nga sẽ không ngăn cản chúng tôi làm điều đúng đắn, và Estonia sẽ không thay đổi sự ủng hộ kiên quyết đối với Ukraine”, Bộ Ngoại giao Estonia nói thêm.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG