Đường dẫn truy cập

Philippines cử tàu tuần duyên ‘đảm bảo an toàn’ cho sứ mệnh dân sự ở Biển Đông


Tàu cá chở các nhà hoạt động và tình nguyện viên của Atin Ito khi họ tiến về Bãi cạn Scarborough vào ngày 15/5/2024.
Tàu cá chở các nhà hoạt động và tình nguyện viên của Atin Ito khi họ tiến về Bãi cạn Scarborough vào ngày 15/5/2024.

Philippines đã cử ba tàu tuần duyên đến để đảm bảo an toàn cho một đội tàu dân sự đi đến một bãi cạn ở Biển Đông, nơi Manila và Bắc Kinh đang rơi vào các cuộc đối đầu gay gắt vì tranh chấp chủ quyền.

Các nhà tổ chức cho biết sứ mệnh kéo dài ba ngày nhằm cung cấp thực phẩm cho ngư dân neo đậu tại Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp, được dẫn đầu bởi một nhóm có tên Atin Ito (tạm dịch “Đây là của chúng tôi”), cùng với năm tàu đánh cá thương mại. Khoảng 100 tàu cá nhỏ hơn cũng sẽ tham gia phần đầu của chuyến đi.

Người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG), Jay Tarriela, nói với các phóng viên rằng lực lượng tuần duyên không phải là một phần của sứ mệnh dân sự khởi hành hôm thứ Tư, nhưng họ sẽ đảm bảo an toàn và an ninh cho các tình nguyện viên dân sự tại Bãi cạn Scarborough.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin Hải cảnh Trung Quốc gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận định kỳ tại bãi cạn. Atin Ito đã dẫn đầu một nhiệm vụ tương tự vào tháng 12 để cung cấp tiếp tế cho quân đội đóng trên Bãi Cỏ Mây, nhưng nhiệm vụ này đã bị cắt ngắn vì bị tàu hải cảnh Trung Quốc “theo sát và quấy rối”.

Trung Quốc hôm thứ Tư nói họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với bãi cạn mà nước này gọi là đảo Hoàng Nham và vùng biển lân cận.

“Nếu phía Philippines lạm dụng thiện chí của Trung Quốc và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ bảo vệ các quyền của mình theo luật pháp. Những trách nhiệm và hậu quả liên quan hoàn toàn do phía Philippines gánh chịu”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo.

Nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila, Bãi cạn Scarborough được nhiều nước thèm muốn vì trữ lượng cá dồi dào và vùng nước màu ngọc lam tuyệt đẹp cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền khi có bão.

Nó đã bị Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012 sau một cuộc đối đầu với Philippines, và kể từ đó Bắc Kinh duy trì việc triển khai liên tục lực lượng hải cảnh và tàu đánh cá, một số bị Manila cáo buộc là lực lượng dân quân biển.

Trung Quốc chưa thừa nhận sự hiện diện của lực lượng dân quân ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các khu vực mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực nói các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG