Đường dẫn truy cập

Ông Tập nhắc ông Chính ‘giải quyết đúng đắn tranh chấp Biển Đông’ và cộng đồng ‘chung vận mệnh’


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, vào ngày 26/6/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã/AP
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, vào ngày 26/6/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã/AP

Bắc Kinh và Hà Nội nên tăng cường hợp tác hơn nữa trong khi giải quyết đúng đắn các tranh chấp ở Biển Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 26/6, theo truyền thông Trung Quốc.

“Hai bên nên xử lý đúng đắn các vấn đề hàng hải của chúng ta, đẩy nhanh phát triển hàng hải chung và cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”, SCMP dẫn lời ông Tập nói với ông Chính tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.

Cuộc gặp của hai lãnh đạo diễn ra sau chuyến thăm của ông Tập với lãnh đạo Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái khi Trung Quốc tìm cách tăng cường quan hệ với Việt Nam giữa bối cảnh nước này đang cạnh tranh khốc liệt với Hoa Kỳ để giành ảnh hưởng trong khu vực.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Chính cũng diễn ra ngay sau chuyến thăm chính thức Hà Nội vào tuần trước của Tổng thống Nga Vladimir Putin và chuyến thăm Việt Nam của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink ngay sau đó nhằm nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc hợp tác với Hà Nội nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Mỹ và Nga hiện đang đối đầu ngày càng gay gắt về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine mà ông Putin phát động vào năm 2022, với quan hệ giữa hai cường quốc này đã xuống thấp tới mức chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Chuyến công tác của ông Chính tuần này cũng đánh dấu chuyến thăm chính thức đầu tiên của thủ tướng Việt Nam kể từ khi Hà Nội xảy ra những bất ổn chính trị chưa từng có từ tháng 3, khi 3 trong số 5 lãnh đạo cao cấp nhất từ chức.

Tại cuộc gặp hôm 26/6, ông Tập cũng nhắc lại cam kết với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 12 trong việc xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai (còn gọi là ‘chung vận mệnh’) Việt Nam – Trung Quốc” có ý nghĩa chiến lược.

Lưu ý rằng thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ, ông Tập cho biết cả Trung Quốc và Việt Nam đều duy trì tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định xã hội lâu dài, thể hiện sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ông nói việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai, có ý nghĩa chiến lược là phù hợp với nhu cầu hiện đại hóa của hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa toàn cầu, theo Tân Hoa Xã.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói hai nước nên mở rộng hợp tác về kinh tế và thương mại, cũng như duy trì trao đổi cấp cao và thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu do Tập Cận Bình khởi xướng.

“Trung Quốc sẵn sàng khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam và [chúng tôi] hy vọng phía Việt Nam sẽ mang lại môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp Trung Quốc”, SCMP dẫn lời ông Tập nói.

Về phần mình, Việt Nam khẳng định sự tin cậy chiến lược lẫn nhau và hợp tác thực tế với Trung Quốc nhằm xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai là “ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược” trong chính sách đối ngoại của mình, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Chính đáp lại.

Ông cũng đề cập đến việc Việt Nam ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và kiên quyết tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc.

“Điều này không thể bị phá hoại bởi những hành động khiêu khích và can thiệp từ bên ngoài”, ông Chính khẳng định thêm.

Thủ tướng Việt Nam cũng ủng hộ việc Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và “phản đối việc chính trị hóa các vấn đề thương mại và công nghệ”, đồng thời bày tỏ Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác đa phương và giải quyết những khác biệt “một cách phù hợp”, SCMP và Tân Hoa Xã cho biết thêm.

Trong chuyến đi Trung Quốc, ông Chính đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên. Tại đây, ông đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và kêu gọi tăng cường thương mại và đầu tư.

Việc ông Chính được 3 lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc là Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh được trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam nhận định là yếu tố “cho thấy sự coi trọng” của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến cho các chuỗi sản xuất và cung ứng khi một số công ty rời khỏi Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Trung-Mỹ.

Hà Nội năm ngoái cũng đã nâng cấp quan hệ với Washington và các đồng minh khác thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhấn mạnh chính sách “ngoại giao cây tre”, đa phương của mình.

Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ kinh tế Trung-Việt ngày càng chặt chẽ hơn, căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông tiếp tục gia tăng khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền trên phần lớn Biển Đông.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG