Đường dẫn truy cập

Nghịch lý Việt Nam: nhiều người không muốn tăng lương


Ảnh tư liệu _ Nhiều người cao niên sau khi nghỉ hưu vẫn phải mưa sinh bằng nhiều công việc khác nhau vì không đủ sống bằng lương hưu.
Ảnh tư liệu _ Nhiều người cao niên sau khi nghỉ hưu vẫn phải mưa sinh bằng nhiều công việc khác nhau vì không đủ sống bằng lương hưu.

Việt Nam chuẩn bị điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng lên 15%, thực hiện cùng thời điểm tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng bắt đầu từ ngày 1 tháng Bảy, theo báo chí nhà nước. Tuy nhiên, gần như tất cả những người đang hưởng lương hưu và cả các công chức đang làm việc được VOA phỏng vấn lại cho biết rằng họ… không muốn được tăng lương vì nhiều lý do khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, một cán bộ về hưu sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết khi nghe đến việc lương hưu của bà chuẩn bị được tăng 15% từ đầu tháng 7 tới, bà thực sự lo lắng. Bởi lương tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hoá tiêu dùng, bao gồm cả những mặt hàng thiết yếu, sẽ tăng theo.

“Đương nhiên giá cả tăng rồi. Bây giờ thậm chí mới có nghe là sẽ lên lương thì giá cả đã tăng rồi. Mọi thứ đều đắt lên cả. Trước thịt lợn có 11 thôi thì giờ lên tới 14 rồi.” Bà Hương cho biết.

Trong suốt 10 năm nghỉ hưu, theo lời bà Hương, lương hưu của bà thực tế chỉ đủ trang trải một số hoá đơn thiết yếu của gia đình như tiền điện, tiền nước, Internet… “Giờ được tăng thêm 15% nhưng không biết có còn đủ trang trải trước mức tăng của hoá đơn các loại dịch vụ này trong thời gian tới.”

“Bây giờ thì điện tăng giá đắt nhé, nước cũng đắt lên nhé. Trong khi nhu cầu sinh hoạt của một gia đình trong dịp mùa Hè thì cũng tăng nữa. Điện cũng tốn hơn. Nên giờ có khi chỉ đủ trả tiền điện thôi. Điện giờ cũng tốn đến 3 triệu/tháng rồi. Mà đấy là tiết kiệm đấy, chỉ dám mở điều hoà một tiếng lúc buổi trưa và tối 11 giờ đi ngủ mới dám bật đấy.” Bà Hương than thở.

Cùng trong hoàn cảnh cán bộ về hưu như bà Hương, bà Nguyễn Thị Trâm, một cư dân cũng sinh sống tại Hà Nội thì lại tỏ vẻ thờ ơ khi được hỏi về câu chuyện tăng lương đầu tháng Bảy này. Nhưng bà cũng tỏ ra thông cảm với nỗi lo của những người hưởng lương hưu khi “lương tăng không theo kịp giá”.

“Là vì mình còn làm thêm, làm đủ thứ. Chứ còn rất nhiều người, người ta nhờ vào đồng tiền lương, chứ ngoài ra thì họ biết lấy cái gì để mà sống.” Bà Trâm cho biết.

Bà Trâm cũng nói dù nhiều năm nay không sống bằng đồng lương hưu, bà cũng rất không thích chuyện tăng lương. “Là vì mỗi lần tăng lương nó lại dẫn đến nhiều xáo trộn và biến động. Nếu mà không tăng cũng chết vì ngoài thị trường cũng tăng giá đủ thứ. Mà tăng cũng chết. Nói chung là cứ cái này dẫm đạp lên cái kia. Bạn cứ hình dung là thế này: tăng lương là xăng xe rồi mọi thứ không sớm thì muộn, tất cả cũng tăng theo.”

VnExpress dẫn lời Bộ Lao Động cho biết, mức tăng 15% căn cứ vào nghị quyết của Quốc Hội về dự toán ngân sách, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, chính sách an sinh xã hội, phù hợp chỉ số tiêu dùng cũng như cân đối ngân sách và nguồn quỹ bảo hiểm.

Đối với những người còn đang đi làm và hưởng lương cao thì theo họ mức tăng 15% “chẳng thấm tháp gì.”

Anh Nguyễn Văn Kiên, một chuyên gia làm việc trong một tập đoàn viễn thông nhà nước cho biết: “Các bạn mình còn mong rằng giá như lương nó đừng tăng và vẫn như cũ. Bởi vì tăng như thế thì ăn thua gì so với vật giá. Chẳng hạn một căn chung cư ở Hà Nội cách đây hai năm, giá chỉ 30 triệu đồng/m2 nhưng giờ đã là 60 triệu đồng/m2. Thế thì có mà đi làm cả đời cũng chẳng mua được một căn chung cư ở Hà Nội.”

Anh Kiên cho biết và than thở rằng lương tăng nhưng giấc mơ về một căn chung cư riêng cho gia đình cậu con trai lớn thì vẫn rất xa vời khi mà lương tăng một nhưng giá bất động sản và nhiều chi phí khác lại tăng phi mã.

Theo VnExpress, dự kiến tổng kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trong nửa cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi 3.760 tỉ đồng cho hơn 1,3 triệu người; Quỹ Bảo hiểm xã hội chi hơn 12.500 tỉ đồng cho 2,36 triệu người.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG