Đường dẫn truy cập

Bầu cử Pháp: Các ứng cử viên rút lui trong chiến thuật ngăn chặn phe cực hữu


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng NR cực hữu của Pháp, tại Cung điện Elysee vào ngày 21/6/2022 ở Paris.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng NR cực hữu của Pháp, tại Cung điện Elysee vào ngày 21/6/2022 ở Paris.

Những đối thủ của Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) ở Pháp hôm 2/7 đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn đảng cực hữu này lên nắm quyền khi nhiều ứng cử viên cho biết họ sẽ rút lui khỏi cuộc bầu cử vòng hai vào cuối tuần này để tránh chia rẽ số phiếu chống RN.

Theo ước tính của truyền thông địa phương, khoảng hơn 180 ứng cử viên đã xác nhận rằng họ sẽ không tham gia cuộc chạy đua vòng hai vào ngày 7/7 vào quốc hội Pháp, vốn gồm 577 ghế. Những người khác có thời gian đến 6 giờ chiều để đưa ra lựa chọn.

Đảng RN của bà Marine Le Pen đã dẫn trước trong cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên hôm 30/6 sau khi canh bạc của Tổng thống Emmanuel Macron về cuộc bầu cử sớm phản tác dụng, khiến phe trung dung của ông ở vị trí thứ ba sau liên minh cánh tả được thành lập vội vàng.

Nhưng ngay cả trước khi có động thái trong 24 giờ qua nhằm tạo ra một "mặt trận cộng hòa" để ngăn chặn đảng chống người nhập cư, hoài nghi châu Âu, hiện vẫn chưa thực sự rõ là RN có thể giành được 289 ghế cần thiết để đạt thế đa số hay không.

Những người thăm dò ý kiến đã tính toán rằng vòng bỏ phiếu đầu tiên giúp RN giành được khoảng 250-300 ghế. Nhưng đó là trước khi có những cuộc rút lui mang tính chiến thuật và những lời kêu gọi cử tri ủng hộ ứng cử viên nào có khả năng tốt nhất để đánh bại đối thủ RN tại địa phương.

“Trận đấu vẫn chưa kết thúc. Chúng ta phải huy động toàn bộ lực lượng của mình,” Thị trưởng Paris thuộc Đảng Xã hội Chủ nghĩa, Anne Hidalgo, nói với kênh France 2.

RN phản đối việc hội nhập sâu hơn vào Liên minh châu Âu và sẽ cắt giảm nguồn tài trợ cho EU. Các nhóm nhân quyền đã nêu lên mối lo ngại về việc các chính sách "Nước Pháp trên hết" và chống người di cư của đảng này sẽ áp dụng như thế nào đối với các nhóm sắc tộc thiểu số, trong khi các nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu các kế hoạch chi tiêu khổng lồ của đảng có được cấp ngân quỹ đầy đủ hay không.

Ban đầu có sự không rõ ràng về việc liệu các đồng minh của ông Macron có rút lui trong các cuộc tranh cử địa phương để ủng hộ các ứng cử viên đối thủ có vị thế tốt hơn hay không nếu họ đến từ đảng cánh tả cấp tiến Nước Pháp Bất khuất (LFI) của ông Jean-Luc Melenchon.

Tuy nhiên, ông Macron hôm 1/7 đã phát biểu trong một cuộc họp kín của các bộ trưởng tại Điện Elysee rằng ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn RN nắm quyền và các ứng cử viên LFI có thể được ủng hộ nếu cần thiết.

"Mặt trận cộng hòa" đã có hiệu quả trước đây, chẳng hạn như năm 2002 khi cử tri thuộc mọi thành phần tập hợp lại để ủng hộ ông Jacques Chirac nhằm đánh bại cha của bà Le Pen là Jean-Marie, trong cuộc tranh cử tổng thống.

Tuy nhiên, không chắc cử tri ngày nay sẵn sàng làm theo hướng dẫn của các nhà lãnh đạo chính trị về việc bỏ phiếu cho ai, trong khi những nỗ lực của bà Le Pen nhằm làm dịu hình ảnh đảng của bà đã giúp đảng này ít bị xa lánh hơn trong mắt hàng triệu người.

Bà Le Pen hôm 2/7 lặp lại khẳng định của mình rằng RN sẽ không tìm cách thành lập chính phủ nếu đảng này và các đồng minh không chiếm đa số trong quốc hội.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG