Đường dẫn truy cập

Đức giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine bất chấp khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng


Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bắt tay khi kết thúc cuộc họp báo chung tại "Hội nghị Phục hồi Ukraine" ở Berlin vào ngày 11/6/2024.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bắt tay khi kết thúc cuộc họp báo chung tại "Hội nghị Phục hồi Ukraine" ở Berlin vào ngày 11/6/2024.

Đức sẽ giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới, ngay cả với khả năng ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng và hạn chế hỗ trợ dành cho Kyiv.

Viện trợ của Đức cho Ukraine sẽ bị cắt giảm xuống còn 4 tỷ euro (4,35 tỷ USD) vào năm 2025 từ mức khoảng 8 tỷ euro vào năm 2024, theo dự thảo ngân sách năm 2025 mà Reuters xem được.

Đức hy vọng Ukraine sẽ có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu quân sự của mình với khoản vay 50 tỷ USD từ số tài sản bị phong tỏa của Nga đã được Nhóm G7 đồng ý, và số tiền dành cho vũ khí này sẽ không bị sử dụng hết.

Washington đẩy mạnh việc “gánh trước” các khoản vay để cấp cho Ukraine một khoản tiền lớn hiện nay.

Các quan chức cho biết các nhà lãnh đạo EU đồng ý với ý tưởng này một phần vì nó làm giảm nguy cơ Ukraine bị thiếu tiền nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Lo ngại lan khắp châu Âu trong tuần này sau khi ông Trump chọn Thượng nghị sĩ J.D. Vance làm ứng cử viên phó tổng thống của ông. Ông Vance là người phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine và từng cảnh báo châu Âu sẽ phải ít phụ thuộc hơn vào Hoa Kỳ trong việc bảo vệ lục địa.

Ông Trump đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt từ các quan chức phương Tây vì nói rằng ông sẽ không bảo vệ những quốc gia không đáp ứng được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương và thậm chí sẽ khuyến khích Nga tấn công những quốc gia đó.

Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì liên tục không đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% sản lượng kinh tế cho quốc phòng.

Dự trữ quân sự cạn kiệt

Nguồn dự trữ của lực lượng vũ trang Đức, vốn đã cạn kiệt do thiếu đầu tư trong nhiều thập kỷ, lại càng bị cạn kiệt do nguồn cung vũ khí cho Kyiv.

Cho đến nay, Berlin đã tặng 3 hệ thống phòng không Patriot cho Kyiv, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, hạ số lượng hệ thống Patriot ở Đức xuống còn 9.

Liên minh của Đức gồm các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội thiên tả, đảng Xanh theo chủ nghĩa tự do ủng hộ doanh nghiệp và sinh thái học đã phải vật lộn để tuân thủ mục tiêu chi tiêu của NATO do các quy tắc tự áp đặt nhằm hạn chế số tiền vay nhà nước mà họ có thể gánh chịu.

Mặc dù viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ bị cắt nhưng Đức sẽ tuân thủ mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2025, với tổng số tiền là 75,3 tỷ euro.

Vài ngày sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố một “Zeitenwende” - tiếng Đức nghĩa là bước ngoặt lịch sử - với một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để tăng tốc cho quân đội.

Từ quỹ đặc biệt này, sẽ có thêm 22,0 tỷ euro cho quốc phòng, cộng thêm 53,3 tỷ euro trong ngân sách thường xuyên, vẫn ít hơn mức mà Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius mong muốn.

Ngân sách cho năm 2025 đi kèm với kế hoạch tài chính trung hạn cho đến năm 2028, năm mà quỹ đặc biệt của lực lượng vũ trang nhằm đáp ứng các mục tiêu chi tiêu tối thiểu của NATO sắp cạn kiệt và sẽ cần 80 tỷ USD cho quốc phòng, như đã nêu trong kế hoạch tài chính.

Các nguồn tin từ Bộ tài chính cho biết vào năm 2028, ngân sách sẽ thường xuyên bị thiếu hụt 39 tỷ euro, trong đó cần 28 tỷ euro để tuân thủ mục tiêu của NATO mà không có quỹ đặc biệt.

Các quyết định về cách lấp lỗ hổng có thể sẽ không được đưa ra cho đến sau cuộc bầu cử năm 2025.

“80 tỷ euro đã được triển khai cho năm 2028 đơn giản là không tồn tại”, Ingo Gaedechens, thành viên ủy ban ngân sách quốc hội thuộc đảng đối lập bảo thủ CDU, nói.

“Liên minh thậm chí không cố gắng che đậy điều này mà còn công khai thừa nhận nó”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG