Đường dẫn truy cập

Việt Nam điều tra 32 dự án điện gió, điện mặt trời trong chiến dịch chống tham nhũng


Một công viên điện gió ở tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam.
Một công viên điện gió ở tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam.

Bộ Công an vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án năng lượng sạch tại các địa phương, trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết hôm 14/8, trong lúc quốc gia Đông Nam Á tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.

Báo điện tử Chính phủ đưa tin rằng trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.

Yêu cầu mới nhất của Bộ Công an nhằm phục vụ cho việc điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố. Theo trang tin của Chính phủ, đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Các hồ sơ mà EVN được yêu cầu cung cấp cho công an, được báo Chính phủ trích dẫn, bao gồm hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.

Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và một nhóm các quốc gia giàu có đã cam kết huy động ít nhất 15,5 tỷ đô la để giúp Việt Nam từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

AFP dẫn thông tin từ tổ chức nghiên cứu năng lượng độc lập Ember cho biết điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đã tăng gấp mười lần lên 13% sản lượng điện từ năm 2015 đến năm 2023, ngang với mức trung bình toàn cầu và vượt xa một số nước Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, theo số liệu của chính phủ Việt Nam được hãng tin Pháp trích dẫn, lượng than nhập khẩu cũng tăng đột biến trong năm nay.

Trước đó trong ngày 13/8, Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận về hàng loạt sai phạm liên quan đến các dự án điện gió ở Gia Lai, bao gồm chiếm đất để làm dự án khi chưa được phép, tổ chức đấu giá để thâu tóm đất hoang, chưa đầu tư đã đem bán dự án, sử dụng lao động nước ngoài mà không báo cáo, theo thông tin từ trang web của cơ quan này, Thanh tra Việt Nam.

Trong những năm gần đây, chính quyền Đảng Cộng sản đã thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng, do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, khiến hàng ngàn người bị bắt, bao gồm cả các quan chức cấp cao và lãnh đạo đứng đầu các doanh nghiệp. Cuộc chiến, còn được gọi là “đốt lò”, đã khiến 2 chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức.

Tân tổng bí thư Tô Lâm, người vừa tiếp quản chức vụ sau khi ông Trọng qua đời vào tháng 7 trong khi đang giữ chức chủ tịch nước, đã tuyên bố quyết tâm đẩy nhanh chiến dịch này. Tuy nhiên, ông yêu cầu các cơ quan không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế xã hội, VnExpress dẫn lời ông Lâm nói trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hôm 14/8.

Reuters dẫn lời một số nhà đầu tư tại trung tâm công nghiệp khu vực cho rằng việc ông Tô Lâm lên nắm giữ chức vụ cao nhất có thể giúp chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị gần đây, vốn đã làm chậm lại các dự án và cải cách.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG