Đường dẫn truy cập

Việt Nam bổ nhiệm 3 tân phó thủ tướng, thay nhiều lãnh đạo cấp cao, bầu chủ tịch nước vào tháng 10


Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao bổ nhiệm, chúc mừng các tân phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn (thứ 1, phải), Nguyễn Hòa Bình (thứ 2, phải) và Hồ Đức Phớc (thứ 1, trái).
Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao bổ nhiệm, chúc mừng các tân phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn (thứ 1, phải), Nguyễn Hòa Bình (thứ 2, phải) và Hồ Đức Phớc (thứ 1, trái).

Quốc hội Việt Nam hôm thứ Hai (26/8) bỏ phiếu bổ nhiệm ba phó thủ tướng, một bộ trưởng môi trường và một bộ trưởng tư pháp mới cho nhiệm kỳ 2021-2026 trong phiên họp bất thường chỉ trong một ngày tại Hà Nội để giải quyết các vấn đề về nhân sự. Đây được xem là một đợt cải tổ lớn khác đối với các vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ của quốc gia do đảng Cộng sản lãnh đạo, trong khi vị trí chủ tịch nước (hiện do Tổng bí thư Tô Lâm kiêm nhiệm) sẽ được bầu vào tháng 10, lần thứ ba trong vòng chưa đầy hai năm chức vụ này bị thay thế nhân sự, Reuters, Bloomberg và truyền thông trong nước đưa tin.

Các phó thủ tướng mới được quốc hội phê chuẩn hôm 26/8 là Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng tài chính Hồ Đức Phớc và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ông Bùi Thanh Sơn và Hồ Đức Phớc tạm thời tiếp tục đảm nhiệm vị trí bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng tài chính.

Với 3 tân phó thủ tướng vừa được bổ nhiệm, hiện chính phủ Việt Nam có 6 lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính và 5 phó thủ tướng là Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Nguyễn Hòa Bình, Bùi Thanh Sơn và Hồ Đức Phớc.

Cũng tại phiên họp ngày 26/8, Quốc hội Việt Nam cũng phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với hai ông Trần Lưu Quang và Lê Minh Khái, và miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tư pháp đối với ông Lê Thành Long và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đối với ông Đặng Quốc Khánh, theo Nhân Dân. Thay cho hai vị trí này, Quốc hội bổ nhiệm ông Nguyễn Hải Ninh làm Bộ trưởng Tư pháp và ông Đỗ Đức Duy làm Bộ trưởng Môi trường. Cả hai đều từng làm bí thư tỉnh ủy.

Trước đó, Quốc hội đã chấp thuận đơn từ chức của ông Lê Minh Khái, phó thủ tướng phụ trách về kinh tế và là người đã thúc giục Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vào tháng 6. Tuy nhiên vào đầu tháng này, chính quyền Biden đã từ chối công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Theo thông tin trên trang web của chính phủ Việt Nam, ông Khái và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng một loạt lãnh đạo khác đã bị kỷ luật vì những vi phạm liên quan đến cuộc điều tra về dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng - dân cư Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng. Ông Mai Tiến Dũng, cựu Chánh Văn phòng Chính phủ, cũng đã bị bắt giữ vào tháng 5 liên quan đến cuộc điều tra này.

Còn ông Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang được Quốc hội bãi nhiệm phó thủ tướng vì đã được điều động làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ ngày 16/8.

Trong hơn một năm qua, Việt Nam đã chứng kiến những biến động chính trị thượng tầng khi có đến hai chủ tịch nước và một chủ tịch quốc hội phải từ chức vì cáo buộc vi phạm các quy định về chống tham nhũng, hàng trăm nhân vật cấp cao khác đã từ chức, bao gồm cả các thành viên của Bộ Chính trị, giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng toàn diện, thường được gọi là chiến dịch “đốt lò” - do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, và những người chỉ trích cho rằng nó đã được các phe phái trong đảng sử dụng để loại bỏ các đối thủ, theo Bloomberg.

Chủ tịch nước Tô Lâm, người vừa nhậm chức tổng bí thư vào ngày 3/8 sau khi cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, tuyên bố ông sẽ kiên quyết tiếp tục đẩy mạnh xóa bỏ tham nhũng trong khi nỗ lực giảm bớt các nút thắt quan liêu để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Reuters, tình trạng bất ổn do những thay đổi liên tục ở thượng tầng chính trị Việt Nam đã làm giảm sút tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài tại trung tâm công nghiệp hướng đến xuất khẩu, nơi có các nhà máy của một số công ty đa quốc gia lớn và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ từ nước ngoài.

Hãng thông tấn Anh trích dẫn dữ liệu cho biết người nước ngoài chủ yếu bán chứng khoán Việt Nam trong nhiều tuần biến động chính trị, và đầu tư trực tiếp của phương Tây đã tụt lại so với Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Ngoài ra, cuộc chiến chống tham nhũng cũng làm chậm lại các cải cách và dự án, vì các quan chức trì hoãn các quyết định vì lo sợ hậu quả của chiến dịch. Sự tê liệt về mặt hành chính khiến Việt Nam mất đi khoản viện trợ nước ngoài ít nhất 2,5 tỷ đô la trong giai đoạn 2022-2024, vẫn theo Reuters.

Hôm 26/8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vào cuối phiên họp bất thường cho biết quốc hội sẽ bầu một chủ tịch nước mới vào tháng 10 trong phiên họp thường kỳ, chấm dứt nhiều tuần đồn đoán về thời điểm và liệu ông Lâm có từ bỏ chức chủ tịch nước hay không.

Việt Nam bổ nhiệm 3 tân phó thủ tướng, thay nhiều lãnh đạo cấp cao
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:50 0:00

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG