Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Các nhà máy tại các trung tâm xuất khẩu đối mặt với nhiều tuần gián đoạn sau khi bão Yagi đổ bộ


Hình ảnh ngập lụt ở Hà Nội.
Hình ảnh ngập lụt ở Hà Nội.

Bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà máy và làm ngập các nhà kho tại các trung tâm công nghiệp hướng đến xuất khẩu ở miền bắc Việt Nam, và một số nhà máy hiện đóng cửa dự kiến sẽ mất nhiều tuần để hoạt động trở lại bình thường, các giám đốc điều hành cho biết.

Cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay vẫn gây ra lũ lụt và lở đất chết chóc hôm 11/9, giết chết hàng chục người và tàn phá cơ sở hạ tầng như lưới điện và đường sá, sau khi đổ bộ vào đất liền vào cuối tuần.

Sự gián đoạn này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì Việt Nam là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia, vốn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm của họ sang Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước phát triển khác.

"Nhiều thứ [sản phẩm] đã mất hoàn toàn", ông Calvin Nguyễn, người đứng đầu công ty hậu cần Việt Nam WeDo Forwarding, nói về các sản phẩm dự kiến được giao đến Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, nhưng không nói rõ là các sản phẩm nào.

Ông cho biết ba nhà kho của công ty tại thành phố ven biển Hải Phòng đã bị thổi bay mái và vẫn bị ngập hôm 11/9.

Bộ Công thương Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Tại Hải Phòng, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì cơn bão, 95% doanh nghiệp đã được dự kiến tiếp tục hoạt động hôm 10/9, cơ quan quản lý các khu công nghiệp cho biết.

"Nhiều doanh nghiệp đã bị tốc mái, một số bức tường bị sập, cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà để xe và cửa trượt bằng kim loại bị lật, nước tràn vào các nhà máy", cơ quan này cho biết trên trang web của mình.

Tại các khu công nghiệp có nhà máy ở Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh lân cận, 20 trong số 150 nhà máy của các nhà đầu tư sẽ ngừng hoạt động trong ít nhất vài tuần, ông Bruno Jaspaert, người đứng đầu các khu công nghiệp cho biết.

Ông dự kiến mức tiêu thụ điện ở đó sẽ duy trì ở mức thấp hơn một phần ba so với mức bình thường trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, vì nhiều công ty đang bận rộn xây dựng lại các nhà máy bị hư hại, ông cho biết, trích dẫn một cuộc khảo sát thiệt hại.

Một quan chức nắm thông tin về cuộc khảo sát cho biết một trong những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Jupiter Logistics, một phần của tập đoàn do Japan Airlines đồng sở hữu. Tuy nhiên, Jupiter Logistics vẫn chưa có bình luận ngay lập tức.

Tại một khu công nghiệp khác ở Hải Phòng, tập đoàn điện tử LG Electronics của Hàn Quốc cho biết họ đã tiếp tục hoạt động một phần hôm 10/9 sau khi tường của một nhà máy bị đổ sập hôm 7/9 và một nhà kho chứa tủ lạnh và máy giặt bị ngập nước.

Cắt điện

Trong khi tập đoàn điện lực nhà nước EVN đang nỗ lực khôi phục hàng chục đường dây điện bị hư hỏng, tình trạng mất điện vẫn đang làm tê liệt một số khu vực ở phía bắc.

Tại Quảng Ninh, phía bắc Hải Phòng, nhiều nhà máy vẫn thiếu điện hoặc nước, ông Jaspaert cho biết.

Nhà máy của nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc Jinko Solar đã bị hư hỏng nghiêm trọng, cửa sổ bị vỡ nát và mái bị thổi bay, khiến công việc không thể tiếp tục hôm 10/9, một công nhân cho biết.

Các quan chức của Jinko vẫn chưa có bình luận ngay lập tức.

Nằm cách xa bờ biển, các trung tâm công nghiệp của Thái Nguyên và Bắc Giang, nơi có các nhà máy lớn của các công ty đa quốc gia, như Samsung Electronics và nhà cung cấp linh kiện cho Apple là Foxconn, cũng phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, một nhân chứng của Reuters cho biết không có dấu hiệu lũ lụt hôm 11/9 tại các cơ sở lớn của Samsung ở Thái Nguyên, cách Hà Nội khoảng 60 km về phía bắc, vì nước đang rút, mặc dù dự kiến sẽ có nhiều mưa hơn.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG