Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 23/10 nói rằng Israel cần theo đuổi một “thành công chiến lược lâu dài” sau những chiến thắng chiến thuật trước Hamas, và thúc giục nước này tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza cũng như đưa hàng chục con tin trở về.
Ông phát biểu như vậy trước khi rời Israel đến Ả Rập Xê Út trong chuyến thăm thứ 11 tới khu vực này kể từ khi chiến tranh nổ ra. Tiếng còi báo động không kích đã vang lên ở Tel Aviv ngay trước khi ông Blinken rời đi, khi Israel đánh chặn hai quả đạn được bắn từ Lebanon, và có một luồng khói bốc lên trời từ khách sạn của ông Blinken.
“Israel đã đạt được hầu hết các mục tiêu chiến lược khi nói đến Gaza”, ông Blinken nói với các phóng viên trước khi lên máy bay. “Bây giờ là lúc biến những thành công đó thành một thành công chiến lược lâu dài”.
“Thực sự còn hai việc phải làm: Đưa các con tin trở về và chấm dứt chiến tranh với sự nhận thức rõ những gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông nói.
Không có dấu hiệu đột phá sau khi thủ lĩnh Hamas bị tiêu diệt
Hoa Kỳ nhìn thấy một cơ hội mới để khôi phục các nỗ lực ngừng bắn sau vụ thủ lĩnh hàng đầu của Hamas, Yahya Sinwar, bị lực lượng Israel giết chết ở Gaza vào tuần trước. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ bên tham chiến nào đã sửa đổi các yêu cầu của họ kể từ khi các cuộc đàm phán bị đình trệ vào mùa hè.
Cũng không có dấu hiệu đột phá ngay lập tức nào sau khi ông Blinken gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức cấp cao khác của Israel hôm 22/10.
Israel đổ lỗi cho sự thất bại của các cuộc đàm phán là do lập trường cứng rắn của ông Sinwar, nhưng Hamas cho biết các yêu cầu của họ về lệnh ngừng bắn lâu dài, việc Israel rút quân hoàn toàn và thả một số lượng lớn tù nhân Palestine vẫn không thay đổi sau cái chết của ông. Hamas đổ lỗi cho sự thất bại của các cuộc đàm phán là do yêu cầu của Israel về sự hiện diện quân sự lâu dài ở một số khu vực của Gaza.
Thương thảo về lệnh ngừng bắn hạn chế và thả con tin
Ai Cập đã gợi ý khả năng tạm dừng giao tranh trong thời gian ngắn, trong đó Hamas sẽ thả một số con tin và tăng cường hoạt động phân phối viện trợ nhân đạo, đặc biệt là ở phía bắc Gaza, theo một quan chức Ai Cập nói với AP.
Vị quan chức, người yêu cầu giấu tên vì không được phép trả lời phỏng vấn báo chí, cho biết Ai Cập và Qatar đã thảo luận về ý tưởng này với Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa có đề xuất chắc chắn. Quan chức này còn nói rằng Israel và Hamas đã biết về những cuộc thảo luận đó.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao xác nhận rằng đề xuất thả con tin hạn chế đã được thảo luận trong những ngày gần đây nhưng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra, ngay cả sau cuộc họp của ông Blinken với các quan chức Israel và gia đình của các con tin hôm 22/10.
Không có bình luận ngay lập tức nào từ Israel hoặc Hamas. Nhóm chiến binh này trước đây đã bác bỏ những ý tưởng như vậy, nói rằng họ có ý định chấm dứt chiến tranh. Nhóm này vẫn đang giam giữ khoảng 100 con tin bị bắt trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023, vốn là nguyên nhân gây ra cuộc chiến, với khoảng một phần ba trong số họ được cho là đã chết.
Israel bị cảnh báo về viện trợ khi tấn công vào bắc Gaza
Trong khi đó, Israel đã giảm đáng kể lượng viện trợ nhân đạo được phép vào Gaza khi tiến hành một chiến dịch lớn khác ở phía bắc lãnh thổ vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Blinken nhắc lại cảnh báo rằng việc cản trở viện trợ nhân đạo có thể buộc Hoa Kỳ phải cắt giảm hỗ trợ quân sự quan trọng mà nước này đã cung cấp cho Israel kể từ khi chiến tranh bắt đầu. “Đã có tiến triển, điều đó là tốt, nhưng cần phải đạt được nhiều tiến triển hơn nữa”, ngoại trưởng Mỹ nói với các phóng viên, mà không giải thích thêm.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết Israel đã hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động viện trợ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công ở Jabaliya, một trại tị nạn đô thị có đông người sinh sống ở phía bắc Gaza, vốn được lập nên từ cuộc chiến tranh năm 1948 xung quanh việc thành lập Israel.
Văn phòng này cho biết một nhiệm vụ quan trọng – giải cứu khoảng 40 người mắc kẹt trong đống đổ nát ở Jabaliya – đã liên tục bị từ chối kể từ ngày 18/10.
Bắc Gaza, bao gồm cả Thành phố Gaza, là mục tiêu đầu tiên của chiến dịch trên bộ của Israel. Khu vực này đã bị lực lượng Israel bao vây hoàn toàn kể từ cuối năm ngoái. Hầu hết người dân đã tuân thủ các cảnh báo sơ tán của Israel ngay từ đầu cuộc chiến, nhưng ước tính có khoảng 400.000 người vẫn ở lại đó.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng 60.000 người đã phải di dời trong phạm vi phía bắc Gaza kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở Jabaliya, và đây là đợt di dời hàng loạt mới nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh.
Phía bắc bị phá hủy nặng nề hơn các khu vực khác của Gaza, với toàn bộ các khu vực sinh sống bị xóa sổ. Israel đã ngăn cản những người Palestine chạy trốn khỏi khu vực phía bắc trở về nhà, vốn là một yêu cầu quan trọng của Hamas trong các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Mỹ ‘hoàn toán bác bỏ’ mọi hành động tái chiếm Gaza
Cuộc tấn công mới ở phía bắc Gaza đã làm dấy lên lo ngại đối với người Palestine rằng Israel có ý định thực hiện một kế hoạch do các cựu tướng lĩnh đề xuất, trong đó thường dân sẽ được lệnh rời khỏi miền bắc và bất kỳ ai ở lại sẽ bị chết đói hoặc bị giết. Các bộ trưởng cực hữu trong Nội các của Thủ tướng Netanyahu nói Israel nên ở lại Gaza và tái lập các khu định cư của người Do Thái tại đó.
Ông Blinken cho biết các quan chức Hoa Kỳ “hoàn toàn bác bỏ” bất kỳ sự tái chiếm Gaza nào của Israel và đó không phải là chính sách của chính phủ Israel.
Các chiến binh do Hamas cầm đầu đã giết khoảng 1.200 người, chủ yếu là thường dân, và bắt cóc thêm 250 người khi họ tấn công vào miền nam Israel vào ngày 7/10/2023. Khoảng 100 con tin vẫn còn ở bên trong Gaza và một phần ba trong số đó được cho là đã chết.
Các quan chức y tế địa phương cho biết cuộc tấn công của Israel đã giết chết hơn 42.000 người Palestine, không phân biệt chiến binh với thường dân, nhưng nói rằng hơn một nửa số người chết là phụ nữ và trẻ em. Khoảng 90% trong số 2,3 triệu người của Gaza đã phải di dời, buộc hàng trăm nghìn người phải sống trong các trại lều tồi tàn.
Diễn đàn