Đài Loan đang tăng cường nỗ lực nâng cao khả năng đối phó với nguy cơ phong tỏa quân sự từ Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng áp lực quân sự đối với hòn đảo được quản lý theo thể chế dân chủ này.
Trong một báo cáo về kế hoạch lương thực thời chiến của Đài Loan, được trình lên quốc hội hôm 22/10, Bộ Nông nghiệp cho biết họ đã duy trì một kho dự trữ gạo đủ cho ba tháng và đảm bảo rằng lương thực và các nguồn cung cấp quan trọng được lưu trữ đồng đều trên khắp hòn đảo.
Theo Bộ này, kho dự trữ gạo hiện tại có thể cầm cự trong bảy tháng, và lượng thức ăn cho cá đủ để hỗ trợ đánh bắt cá trong ao trên ba tháng nếu không thể đánh bắt ngoài biển. Chính phủ cũng cho biết họ đang soạn thảo các kế hoạch chuẩn bị cho việc phân phối gạo trong thời chiến.
Trong trường hợp bị phong tỏa quân sự bởi Trung Quốc, nhà chức trách Đài Loan cho biết họ sẽ dành nhiều đất nông nghiệp hơn để trồng lúa và sử dụng thêm ao hồ để nuôi trồng thủy sản. Các loại cây mà Đài Loan sẽ ưu tiên trồng trong trường hợp xảy ra chiến tranh bao gồm khoai lang, đậu nành và rau tươi. Bộ cũng có kế hoạch thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tiến hành kiểm kê hàng tháng về nguồn lương thực trên đảo.
Các quan chức trong Bộ Kinh tế Đài Loan cũng đã đưa ra các kế hoạch nhằm tăng cường dự trữ năng lượng và nguồn cung năng lượng của Đài Loan.
Ông Hu Wen-chong, Giám đốc Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan, hôm 23/10 trình bày với các nhà lập pháp rằng chính phủ có kế hoạch thiết lập ba trạm tiếp nhận khí đốt tự nhiên để nâng mức dự trữ an toàn khí đốt tự nhiên lên hơn 14 ngày. Hiện tại, Đài Loan có đủ dự trữ để duy trì nguồn cung khí đốt tự nhiên trong 8 ngày.
Trong trường hợp thiếu hụt khí đốt tự nhiên trong thời chiến, ông Hu cho biết chính phủ có thể kích hoạt một số nhà máy điện than đã ngừng hoạt động để hỗ trợ nhu cầu cung cấp năng lượng cho hòn đảo.
Việc duy trì nguồn cung dầu của Đài Loan cũng là một mối quan ngại khác. Đài Loan nhập khẩu gần 70% dầu từ Trung Đông, điều mà một số nhà lập pháp lo ngại có thể bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực để ngừng xuất khẩu sang hòn đảo trong trường hợp phong tỏa. Ông Hu cho biết Đài Loan đã đa dạng hóa việc mua dầu từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Indonesia.
Các nhà phân tích hoan nghênh các biện pháp chuẩn bị cho khả năng phong tỏa nhưng cho rằng kế hoạch dự trữ lương thực và năng lượng thời chiến của Đài Loan chủ yếu được thiết kế để ứng phó với thiên tai, như bão và động đất.
“Thời chiến khác với thiên tai vì sẽ không có mối đe dọa từ quân đội Trung Quốc trong một trận động đất,” ông Lin Ying-yu, một chuyên gia quân sự tại Đại học Tamkang ở Đài Loan, nói với VOA qua điện thoại.
“Để các kế hoạch này hiệu quả trong tình huống thời chiến, vẫn còn rất nhiều chỗ cần cải thiện.”
Ông Su Tzu-yun, một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia có trụ sở tại Đài Bắc, lưu ý rằng Đài Loan đã thực hiện kiểm kê hàng tháng các nguồn cung cấp thiết yếu và lưu trữ các tài nguyên này khắp hòn đảo trong thời gian dài.
“Có gần 1.000 hầm chứa ngũ cốc với nhiều kích thước khác nhau trên khắp Đài Loan, và Đài Loan đã tiến hành các cuộc diễn tập phân phối nguồn lực quan trọng trong cuộc tập trận phòng không Vạn An hàng năm vào tháng 7,” ông Su nói.
Khí đốt tự nhiên chiếm khoảng một nửa sản lượng điện của Đài Loan, một nguồn tài nguyên quan trọng mà Đài Loan sẽ không thể nhập khẩu trong trường hợp bị Trung Quốc phong tỏa. Ông Su cho biết việc tìm cách sử dụng dự trữ dầu và than của hòn đảo để cung cấp điện là rất quan trọng.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với VOA, ông Su trích dẫn một báo cáo từ Luật Quản lý Năng lượng của Đài Loan cho biết hòn đảo có khoảng 5 tháng dự trữ dầu và than, với khoảng 190 triệu tấn than dưới lòng đất. Những nguồn tài nguyên này có thể được sử dụng để cung cấp điện nếu Đài Loan gặp phải tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong trường hợp bị Trung Quốc phong tỏa, ông Su nói.
Phong tỏa của Trung Quốc là ‘hành động chiến tranh’
Trong tuần qua, Trung Quốc đã gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, tổ chức một cuộc tập trận quân sự kiểu phong tỏa kéo dài một ngày xung quanh hòn đảo chỉ vài ngày sau bài phát biểu Quốc khánh của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức hôm 10/10.
Trong bài phát biểu, ông Lại nói rằng Trung Quốc không có quyền đại diện cho Đài Loan. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.
Trung Quốc cũng bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật trên không và trên biển gần đảo Niushan, ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, hôm 22/10.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Cố Lập Hùng, hôm 23/10 cho biết một nhóm tàu sân bay của Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan. Nhóm này do tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay lâu đời nhất của Trung Quốc, dẫn đầu. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ chuyển động của tàu Liêu Ninh.
Ông Cố Lập Hùng nói cuộc tập trận ‘Joint Sword 2024B’ của Bắc Kinh, diễn ra hôm 13/10, chưa đạt đến định nghĩa của một cuộc phong tỏa thực sự vì quân đội Trung Quốc không áp đặt các khu vực cấm bay và cấm đi lại.
“Nếu thực sự muốn thực hiện một cái gọi là phong tỏa, theo luật pháp quốc tế là cấm tất cả các máy bay và tàu thuyền đi vào khu vực, thì theo các nghị quyết của Liên hiệp quốc, đó được coi là một hình thức chiến tranh,” ông nói hôm 23/10.
Ông nói thêm rằng do khoảng một phần năm hàng hóa toàn cầu đi qua eo biển Đài Loan, một cuộc phong tỏa do Trung Quốc áp đặt sẽ có những hậu quả toàn cầu.
“Cộng đồng quốc tế không thể ngồi yên và chỉ quan sát,” Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói với các nhà lập pháp trong một phiên họp hôm 23/10.
Kể từ tháng 8 năm 2022, Trung Quốc đã tổ chức ít nhất bốn cuộc tập trận quân sự kiểu phong tỏa xung quanh Đài Loan, và mỗi cuộc tập trận đều nhằm phản ứng lại các cuộc trao đổi chính trị cấp cao giữa Đài Loan với Hoa Kỳ hoặc các bài phát biểu quan trọng của tổng thống Đài Loan.
Ông Lin Ying-yu từ Đại học Tamkang cho rằng trong khi Trung Quốc sử dụng các cuộc tập trận quân sự kiểu phong tỏa này để thử nghiệm khả năng và cải thiện sự phối hợp giữa các lực lượng khác nhau, thì chúng cũng là cách Bắc Kinh phản ứng với các phát biểu chính trị quan trọng ở Đài Loan.
Trung Quốc đang cố gắng gửi thông điệp rằng bất cứ khi nào chính phủ Đài Loan đưa ra các tuyên bố chính trị quan trọng thì Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng hành động quân sự, ông nói với VOA.
Ông cho rằng Đài Bắc nên theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc và điều chỉnh hoặc cải thiện khả năng phòng thủ và tấn công của quân đội cho phù hợp.
Diễn đàn