Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 31/10 lên tiếng yêu cầu Trung Quốc thả ngay các ngư dân Việt Nam và toàn bộ tàu cá đã bị Trung Quốc bắt giữ ở quần đảo Hoàng Sa, trong vụ việc mà Hà Nội nói là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, đồng thời bày tỏ quan ngại về thông tin Trung Quốc xây dựng hệ thống radar ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo này.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”, VnExpress dẫn lời phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt, nói trong cuộc họp báo ngày 31/10 nhưng không nói rõ hiện có bao nhiêu ngư dân đang bị Trung Quốc giam giữ và họ bị bắt vào thời điểm nào.
“Mọi trường hợp bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam chúng tôi đều hết sức quan tâm, liên tục trao đổi và phản đối các cơ quan chức năng của Trung Quốc”, ông Việt được Dân Việt dẫn lời nói.
Phát biểu của ông Việt được đưa ra khi trả lời câu hỏi của báo chí về sự việc 10 ngư dân Việt Nam đã bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắt ở khu vực đảo Hải Nam.
Ông Việt nói thêm rằng việc Trung Quốc “bắt giữ trái phép” tàu cá và ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” và “vi phạm các quyền, cũng như lợi ích cơ bản, hợp pháp, chính đáng của ngư dân Việt Nam”.
Trước đó, vào ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin với báo chí rằng lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã tấn công 10 ngư dân Việt Nam, làm hỏng ngư cụ của họ và tịch thu khoảng 4 tấn cá đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, khu vực tranh chấp ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Theo truyền thông Việt Nam, vụ tấn công xảy ra vào ngày 29/9, khi tàu cá Quảng Ngãi với 10 ngư dân đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thì bị nhóm người ở tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản. Sự việc khiến 4 ngư dân bị thương nặng, trong đó 3 ngư dân bị gãy chân tay, và những người còn lại bị thương.
Sau vụ tấn công, một số ngư dân đã trở về Việt Nam. Không rõ hiện còn bao nhiêu ngư dân đang bị phía Trung Quốc giam giữ và họ bị bắt trong vụ tấn công trên hay trong hoàn cảnh nào khác.
Tờ New York Times hôm 28/10 phỏng vấn ngư dân Nguyễn Thanh Biên, một nạn nhân của vụ tấn công trên, và đưa tin rằng vào tháng 6, một tàu cá và các thuyền viên từ làng của ông Biên, thôn Châu Thuận Biên, xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, đã biến mất sau khi đưa tin qua radio về cuộc chạm trán với giới hữu quan Trung Quốc. Tờ báo cho biết những người thân của các ngư dân hiện vẫn chưa được biết tin tức gì về họ kể từ khi có người gọi điện báo rằng họ đang bị giam giữ trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 2/10 nói hành động của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, đi ngược nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller trong một tuyên bố hôm 3/10 trên mạng xã hội X nói rằng Hoa Kỳ “vô cùng quan ngại trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của tàu thực thi pháp luật (Trung Quốc) đối với tàu cá Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29 tháng 9. Chúng tôi kêu gọi (Trung Quốc) chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây mất ổn định ở Biển Đông”.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 31/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng thời bày tỏ quan ngại trước thông tin Trung Quốc hoàn thiện hạ tầng cho hệ thống radar ở đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
“Việt Nam hết sức quan ngại về thông tin này và mạnh mẽ phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, VnExpress dẫn lời ông Đoàn Khắc Việt nói với báo chí.
Trước đó, tờ Guardian của Anh tuần trước đưa ra ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp hôm 16/9, cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng một hệ thống radar chống tàng hình mới trên đảo Tri Tôn và hệ thống này sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Trung Quốc trong khu vực.
Tờ báo dẫn phân tích của Chatham House cho thấy Trung Quốc đang nâng cấp tiền đồn của mình trên Đảo Tri Tôn, góc tây nam của quần đảo Hoàng Sa, và xây dựng công trình có thể là điểm phóng cho một khẩu đội tên lửa chống hạm cũng như hệ thống radar tinh vi.
Tại cuộc họp báo ngày 31/10, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền” bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Diễn đàn