Đường dẫn truy cập

Việt Nam đón tiếp chủ tịch Trung Quốc


Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến Hà Nội để tham dự hội nghị APEC. Tuy nhiên người ta tin rằng ông Hồ Cẩm Đào cũng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong diễn đàn này trong các cuộc họp song phương bên lề hội nghị.

Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam ông Nông Đức Mạnh, hôm thứ Năm, đã ôm nồng nhiệt Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào trong buổi đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Hà Nội.

Cái ôm mà ông Nông Đức Mạnh dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc vào lúc khởi đầu cuộc viếng thăm Việt Nam là một dấu hiệu cho thấy rằng các mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng từng có thời giao tranh với nhau, đang phát triển một cách vững chắc. Ông Hồ Cẩm Đào đã bước ra khỏi cổng của Dinh Chủ Tịch với ông Nông Đức Mạnh ở bên cạnh, trong khi dân chúng đứng dọc theo 2 lề đường ở bên ngoài vui mừng vẫy những lá cờ nhỏ có hai màu vàng đỏ của Việt Nam và Trung Quốc:

Đây có lẽ là một cuộc đón tiếp thích đáng của một đồng minh về mặt tư tưởng dành cho một nhân vật tỏ rõ sức mạnh tối đa trong khi nước đông dân nhất thế giới này đang tìm cách nắm giữ 1 vai trò càng ngày càng lớn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Với việc Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình về mặt kinh tế và ngoại giao càng ngày càng nhiều trong khu vực này, ông Hồ Cẩm Đào sẽ ra sức cạnh tranh với Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush trong việc gây sự chú ý nhiều nhất trên diễn đàn APEC tại thủ đô của Việt Nam.

Tổng Thống Bush sẽ đến Hà Nội vào ngày hôm nay, thứ Sáu. Ông Bush và ông Hồ Cẩm Đào sẽ mở những cuộc thảo luận song phương bên lề hội nghị.

Hôm thứ Năm ông Hồ Cẩm Đào đã có những cuộc hội đàm với ông Nông Đức Mạnh và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Như thường lệ, các giới chức Việt Nam chỉ nói rằng cuộc viếng thăm này là nhằm mục đích cải thiện các mối quan hệ song phương. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết thêm chi tiết về cuộc viếng thăm này như sau:

Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước láng giềng. Chúng tôi cùng có chung 1 chế độ xã hội, và chúng tôi đều có trách nhiệm phát triển đất nước chúng tôi. Đồng thời 2 quốc gia đều muốn trở thành đối tác với nhau. Vì là những nước láng giềng cho nên sự hợp tác của chúng tôi rất thuận tiện. Chúng tôi có thể hợp tác trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, cũng như trong các vấn đề quốc tế. Trung quốc cũng cần có Việt Nam trong công cuộc hợp tác giữa Trung Quốc với các nước khác ở Đông Nam Á. Chúng tôi có mặt tại đây là để tìm cách cải thiện các mối quan hệ, không những chỉ giữa 2 nước mà còn giữa 2 đảng Cộng Sản.

Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của mối quan hệ này chủ yếu diễn ra trong lãnh vực kinh tế. Trung Quốc đã tiến những bước dài trong lãnh vực mậu dịch tự do với các nước trong khối ASEAN ở Đông Nam Á. Các hoạt động buôn bán ngang qua biên giới mà hồi gần đây được gọi là buôn lậu phần lớn đã bị Nhà Nước chận đứng. Theo các con số chính thức thì mậu dịch 2 chiều đã lên đến 8 tỉ đô la trong năm 2005, và được dự đoán sẽ tăng lên 10 tỉ đô la 1 năm từ đây cho đến năm 2010.

Nỗ lực của ông Hồ Cẩm Đào trong chuyến đi này không chỉ thuần túy trong lãnh vực kinh tế. Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc chủ tọa nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân, sẽ là vấn đề trung tâm tại hội nghị APEC. Và những cuộc họp song phương quan trọng, trong đó có những cuộc họp với Tổng Thống Bush và Tổng Thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ chiếm nhiều thời gian trong tiến trình hội nghị APEC.

Trong hội nghị này, Hà Nội cũng đón tiếp các đại diện của Đài Loan. Làm thế nào để giữ sự cân bằng giữa Đài Loan và Trung Quốc là một việc làm tế nhị. Đài Loan, một hải đảo mà Bắc Kinh xem như là 1 tỉnh ly khai của Trung Quốc và có thể thống nhất với Hoa Lục sau này, là một nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên vì lập trường cứng rắn của Bắc Kinh cho nên Đài Loan không thể gửi một giới chức chính phủ đến tham dự hội nghị APEC.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG