Đường dẫn truy cập

Người Việt tại Phi: Niềm Hy Vọng Mới từ Canada


Trong gần hai thập niên qua, hàng ngàn người Việt Nam đã kéo dài cuộc đời tỵ nạn ở Philippines, chỉ vì đã không may đến bến bờ tự do sau ngày quốc tế ấn định, nên không được tự động công nhận là người tỵ nạn như những người đi trước họ. Thay vào đó, nhóm người này phải trải qua một tiến trình thanh lọc, mà giới chỉ trích cho là thiếu sót và thiếu công bằng. Những người -gọi là- “rớt thanh lọc” đứng trước lựa chọn hoặc là hồi hương tự nguyện, hoặc bị cưỡng bách hồi hương. May mắn hơn, một thiểu số được ở lại Philippines sau sự can thiệp của Giáo Hội Công Giáo tại đây. Nhóm người này, được gọi tắt là Người Việt Còn Lại, phải kiếm sống trong hoàn cảnh tương lai bấp bênh, con cái không có cơ hội học hành và tiến thân, trước mắt là một tương lai bất định.

Luật sư Trịnh Hội cùng một số đồng nghiệp, với sự yểm trợ của nhiều cá nhân, đoàn thể, tổ chức, và các cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi, đã đấu tranh trong 8 năm qua để giúp những người còn lại. Cuộc đấu tranh đã đạt được một số kết quả cụ thể, giúp nhiều gia đình đi định cư tại Hoa Kỳ, Australia, Na-Uy vv... Mới đây, một thông báo của Bộ Di Trú Canada đã làm dấy lên niềm hy vọng đối với những thuyền nhân còn lại tại Philippines. Hoài Hương đã tiếp xúc với Luật sư Trịnh Hội, Bộ Trưởng Công Dân Vụ và Di Trú Canada và một số thuyền nhân ở Philippines và tường trình như sau:

Hồi trung tuần tháng 5, Bộ Trưởng Công Dân Vụ và Di Trú Canada, bà Diane Finley, loan báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xét đơn xin định cư của những người Việt còn sót lại tại Philippines. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt Ngữ Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Diane Finley cho biết:

Bộ Trưởng Finley: “Tôi rất vui có thể loan báo cho Liên Hội Người Việt Canada rằng tôi đã chỉ thị cho các giới chức Di Trú Canada chuẩn bị những thu xếp đặc biệt để những người Việt Nam sống ở Philippines trong tình trạng không có tư cách pháp lý được nộp đơn để xin đi định cư tại Canada.”

Bộ Trưởng Công Dân Vụ và Di Trú Canada cho hay Người Việt Còn Lại sẽ được nộp đơn theo hai diện, hoặc là thân nhân hay người bảo trợ bảo lãnh, hoặc là có tay nghề chuyên môn.

BT Finley: “Chúng tôi sẽ xét các đơn của nhóm người này trên căn bản nhân đạo và bác ái .”

Sau đó, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã tiếp xúc với luật sư Trịnh Hội để hỏi về tình hình Người Việt Còn Lại:

Luật sư Trịnh Hội: “Nhóm người còn lại thì chúng ta còn 97 hồ sơ gồm tất cả 159 người, đó là số người còn kẹt lại sau khi Mỹ và Na-Uy chấm dứt chương trình định cư nhân đạo của họ. Đó là lý do vì sao Hội cùng với SOS Việt-Phi và Liên Hội Người Việt Canada lại ra điều trần trước Quốc Hội Canada một lần nữa, để xin chính phủ Canada vì lý do nhân đạo nhận nhóm người Việt còn lại. Sau đó cộng đồng người Việt ở Canada, đặc biệt là Cộng đồng Người Việt ở Vancouver, họp với văn phòng Thủ Tướng. Đến cuối tháng Tư thì họp với Bộ Trưởng Finley, hai tuần sau thì bà ra thông cáo. ”

Luật sư Trịnh Hội cho biết đây là một tin vui, nhưng hãy còn một số vấn đề cần phải giải quyết:

Luật sư Trịnh Hội: “Cái chương trình này nói chung thì đúng là một chương trình nhân đạo và bác ái, tuy nhiên cái điều quan trọng cần biết là khi Canada đồng ý cho áp dụng luật này, thì thứ nhất đồng bào chúng ta phải trả tất cả mọi lệ phí. Mọi lệ phí bao gồm lệ phí nạp đơn, mỗi một đầu người tốn 510 đôla, vợ chồng tốn 1100 đôla, mỗi người con tốn 140 đôla, đó là tiền nạp đơn, sau đó còn tốn tiền khám sức khỏe, mỗi người tốn 100 đôla. Xin thưa rõ với chị là không phải nộp đơn là tự động được chấp thuận. Nó tùy thuộc vào hai vấn đề. Thứ nhất, mình phải chứng tỏ khả năng hội nhập vào xã hội Canada. Cái điều kiện thứ 2 là phải có người bảo trợ. ”

Luật sư Trịnh Hội giải thích rằng đòi hỏi thứ nhất, tức là khả năng hội nhập, gồm có khả năng nói tiếng Anh, tay nghề, vv.. tóm lại là người đứng đơn phải chứng tỏ khả năng có thể hội nhập thành công vào xã hội Canada. Điều kiện thứ hai, có người bảo trợ, có nghĩa là người bảo trợ phải cam kết với chính phủ Canada sẽ giúp đỡ tài chánh cho người được bảo trợ trong vòng 10 năm. Nhưng ngoài điều kiện khe khắt này, cũng có nhiều hình thức bảo trợ khác, có sức mạnh thuyết phục kém hơn. Luật sư Hội giải thích:

“Nếu người bảo trợ chịu ký giấy như vậy thì hồ sơ sẽ mạnh hơn. Còn nếu không tìm được người bảo trợ như vậy thì Canada cũng vẫn cứu xét, người bảo trợ viết thư hứa tôi sẽ giúp người này tìm được công ăn việc làm, tôi sẽ giúp người này có chỗ ở, tôi sẽ giúp người này trong vấn đề học vấn, thì những cái thư ấy không có tính cách ràng buộc pháp lý, thì cái hồ sơ đó nó sẽ không có mạnh bằng. Nói tóm lại, cần chứng minh khả năng hội nhập, thứ hai là có người bảo trợ. Nộp đơn không có nghĩa là được nhận. Ngoài ra còn phải chứng minh mình có đầy đủ sức khỏe, mình không có bao giờ phạm pháp, đó là những điều mà tất cả những người nào muốn vào Canada phải chấp nhận như vậy. Nếu hồ sơ được chấp thuận thì còn phải trả tiền "landing fee?", 490 đô mỗi người, và tiền máy bay, thành thử tính ra mỗi người tốn hết chừng 3000 đôla. Nếu tính ra, mình có 160 người, thì số tiền cần thiết để giúp cho đồng bào mình thì cũng khoảng chừng từ 400,000 đôla đến 500,000 đôla.”

Luật sư Trịnh Hội cho biết vì những chi phí ấy đã được ghi vào luật di trú Canada, nên chỉ có Bộ Trưởng bộ này mới có quyền hủy bỏ điều kiện này, anh cho biết đã liên lạc với Tiến sĩ Lê Duy Cấn, Ủy Viên Ngoại Vụ Liên Hội Người Việt Canada, để vận động xin bỏ qua chi phí này trong trường hợp người Việt còn lại tại Philippines.

Trong cuộc phỏng vấn Bộ Trưởng Công Dân Vụ và Di Trú Canada, khi được hỏi một khi đã quyết định cho người tỵ nạn nộp đơn và xét theo diện nhân đạo và bác ái, vì sao Canada lại xét trên căn bản từng trường hợp một thay vì nhận tất cả những người còn sót lại, và như thế sẽ giúp đóng lại một trang sử về tấn thảm kịch thuyền nhân Việt-Nam? Bộ Trưởng Finley trả lời:

BT Finley: “Chúng tôi có trách nhiệm với các công dân Canada phải bảo đảm sự an toàn và an ninh của họ, và vì thế, những người nộp đơn phải qua một cuộc phỏng vấn, xem liệu họ có hội đủ điều kiện về an ninh và sức khỏe để được đi định cư ở Canada hay không. Họ sẽ được đưa vào Canada trong tư cách là người di dân, chứ không phải là người tỵ nạn, và chính vì vậy, chúng tôi phải xét từng trường hợp một.”

Như vậy chưa có thể nói đây là một tin vui, e rằng niềm hy vọng của người tỵ nạn tại Philippines có thể lại bị dập tắt thêm một lần nữa vì lý do tài chánh, Luật sư Trịnh Hội trả lời:

Luật sư Trịnh Hội: “Thật sự là tin vui chị à, nhưng mà nó không có vui hoàn toàn. Em nghĩ nó sẽ là tin vui hoàn toàn khi người ta đến được Canada rồi thì mới là tin vui hoàn toàn. Trong cái việc làm của em trong mười mấy năm qua, em thấy rằng không có cuộc vui nào hoàn toàn cho đến khi chúng ta đã cố gắng hết sức của mình . Đây chỉ là một tin vui khởi đầu thôi, dĩ nhiên là không phải tự động trên trời nó rớt xuống mà chính sách thay đổi, chúng ta đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức, kể cả công sức của rất nhiều người, rất nhiều hội đoàn thì mình mới đạt được kết quả như hôm nay. Nhưng mà từ bây giờ cho đến khi đồng bào mình được đi, nó còn cần nhiều công sức và tiền bạc khác nữa!”

Người Việt Còn Lại ở Philippine phản ứng ra sao trước tin vui không trọn vẹn này? Chị Huệ, một phu nữ đi bán dạo kiếm sống để nuôi gia đình và lưu lại suốt 15 năm qua ở Philippine cho biết phản ứng của chị sau khi nhận tin:

Chị Huệ nói: “Khi mà em nghe như vậy là em rất mừng, chị biết không em xúc động mà em khóc quá chừng khóc, em quá là mừng! Mười mấy năm mình chờ đợi có chừng đó. Thực sự thì chúng em ở đây từ khi mà bị Mỹ đá tới bây giờ, người nào người nấy tinh thần rất là xuống, giống như là cố gắng để mà sống cho qua ngày chứ thực sự không có tinh thần để mà làm cái gì hết. Khi mà nghe nói Canada chấp nhận mà phải bỏ một số tiền như vậy á, thì thực sự nhiều người bên đây phải lo lắm chị, người ta lo người ta không biết là bây giờ đã được chấp nhận, rồi bây giờ tiền đâu?”

Anh Thái, một thanh niên đã đến Philippine từ năm 1993 cách đây 14 năm, còn độc thân và đang tình nguyện tiếp tay giúp văn phòng của nhóm luật sư Trịnh Hội ở Manila, cho biết:

“Cái hôm mà luật sư Trịnh Hội báo tin về đó thì lúc đó em không có mặt ở trong văn phòng, nhưng mà office manager báo tin cho em biết thì em mừng lắm. Office manager nói là tất cả ở trong văn phòng đều khóc cả, cả những người thiện nguyện, tất cả mọi người đều ôm nhau mà khóc, vì mừng đó chị.”

Luật sư Trịnh Hội cho biết vì sao anh và rất nhiều người khác đã bỏ ra nhiều công sức trong nhiều năm dài để giúp Người Việt Còn Lại tại Philippines:

VOA: Cá nhân anh đã nhiều lần lui tới Philippines để giúp người Việt còn lại. Nhìn lại quãng thời gian qua, điều gì đã giúp anh duy trì được niềm tin và tiếp tục tranh đấu?

Luật sư Trịnh Hội: “Em nghĩ ở đời này cuối cùng thì chỉ còn cái tình người mà thôi, em may mắn đã nhận được rất nhiều tình ở bên Phi Luật Tân, thành thử nhìn thì tưởng em cho nhiều, nhưng thực ra là đã nhận rất nhiều và đã học được rất nhiều trong 8 năm làm việc với những người cùng giòng giống Việt Nam nhưng mà số phận lại hoàn toàn khác nhau. Ai mà thấy được những gì mà em thấy và những gì mà em nghe trong 10 năm vừa qua, thì em nghĩ họ cũng sẽ làm những điều em đã và đang làm”.

Dịp này, luật sư Trịnh Hội kêu gọi sự giúp đỡ của người Việt ở hải ngoại, những người ở Canada có thể giúp bằng cách bảo lãnh, những cộng đồng khác ở mọi nơi, hoặc những cá nhân có thể giúp bằng cách giúp tài chánh cho một gia đình để nộp hồ sơ xin đi định cư, các hội đoàn có thể tổ chức các buổi gay quỹ để tiếp tay vào nỗ lực này:

Luật sư Trịnh Hội: “Vấn đề tiền bạc thì một sớm một chiều chúng ta có thể làm ra, nhưng mà cơ hội, nếu chúng ta không nắm bắt, thì chúng ta sẽ mất. Nếu những ai mà nghe được cuộc phỏng vấn này và thông cảm được với số phận của những người Việt tỵ nạn kẹt lại 18 năm ở Phi Luật Tân, thì có thể liên lạc thẳng với Hội qua email hoitrinh@hotmail.com. Hoặc liên lạc với cô Lisa Nguyễn Thùy Dương ở văn phòng VOICE ở Washington DC, Điện thoại: (714) 855-5454.”

VOA: Hoài Hương tường trình về hoàn cảnh những người Việt Nam còn kẹt lại tại Philippine, sau khi Canada loan báo sẽ tạo điều kiện cho phép nhóm người bị bỏ quên này được nộp đơn xin đi định cư tại Canada theo diện nhân đạo.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG