Đường dẫn truy cập

Viễn cảnh kinh tế Mỹ


Giá xăng dầu tăng cao, giá nhà cửa giảm và đồng đôla mất giá là những yếu tố đang tác động đáng kể đến chi tiêu của người dân Mỹ. Thông tín viên Barry Wood của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình rằng nhiều nhà phân tích đang tỏ ra bi quan về nền kinh tế đầu tàu của thế giới và lo ngại về những viễn cảnh kinh tế khó khăn.

Đối với nhiều người dân Mỹ thì nền kinh tế của nước này đang chuyển sang giai đoạn khó khăn. Giá xăng dầu tiếp tục leo thang đã khiến cho việc đi lại trong sinh hoạt và việc làm hàng ngày trở nên tốn kém hơn.

Thời kỳ tăng trưởng bùng phát kéo dài của thị trường tín dụng thế chấp, thị trường bất động sản và xây dựng nhà cửa đã qua và nay đang trên đà giảm sút. Và đồng đôla, vốn là đồng tiền mạnh trên thị trường thế giới, rớt giá đã đẩy giá cả của các mặt hàng nhập khẩu tăng lên.

Ông Ted Truman, một cựu quan chức đã từng làm việc cho Bộ Tài Chánh và Quỹ Dự Trữ Liên Bang, tức ngân hàng trung ương của Mỹ, nói rằng hiện nay người dân Mỹ bắt đầu phải chi tiêu cho cuộc sống vượt quá những khả năng mà họ có được.

Ông Truman nói: "Xét về tổng thể của nền kinh tế, chúng ta đã chi tiêu quá mức trong giai đoạn vừa qua uớc tính tương đương với 6% giá trị của tổng sản phẩm quốc nội, tức GDP. Giai đoạn chi tiêu bùng phát đó đã đến lúc kết thúc."

Mức thâm hụt mậu dịch của Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2001. Kinh tế gia David Hale ở thành phố Chicago ước đoán trong năm tới sẽ có hàng loạt nhà cửa-bất động sản bị chủ cấp tín dụng thu hồi do người vay mua thế chấp không còn đủ khả năng tiếp tục chi trả các khoản nợ theo định kỳ.

Ông Hale nói: "Số người bị ảnh hưởng không chiếm một tỉ lệ lớn trong dân số, tuy nhiên đó là một con số đáng chú ý. Đại khái sẽ có khoảng hai triệu người đứng trước nguy cơ bị xiết nhà, và tình trạng này tập trung vào những khu vực có thu nhập thấp nhiều hơn là những khu vực có thu nhập cao."

Không chỉ có người dân Mỹ quan ngại về viễn cảnh kinh tế khó khăn. Ông Thomas Putter, một nhà quản lý của công ty tài chánh Allianz Capital có trụ sở hoạt động tại Đức, nhận định như sau:

"Một lo ngại lớn là tác động của cuộc khủng hoảng trên thị trường vốn vay thế chấp rủi ro cao không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của riêng thị trường này, mà nó lan sang nhiều lãnh vực khác nữa, chẳng hạn như nó dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả nợ thẻ tín dụng."

Tuy nhiên có nhiều kinh tế gia không tán đồng với những ước đoán về tình trạng suy thoái kinh tế mà không có căn cứ vững chắc. Trong giai đoạn kinh tế ba tháng kết thúc vào cuối tháng 9 vừa qua, kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng gần 5% tính theo tỉ lệ tăng trưởng của cả năm. Thị trường việc làm ổn định và tăng đều.

Ông Surjit Bhalla, một nhà đầu tư hoạt động tại New Delhi, Ấn Độ, nhận định như sau: "Cá nhân tôi không đi theo nhóm các chuyên gia nhận định rằng kinh tế Mỹ đang rơi vào giai đoạn suy thoái."

Ông Bhalla nhận định tiếp rằng nếu tăng trưởng của kinh tế Mỹ có chậm lại thì kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bổ sung vào những chỗ thiếu đó để mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục duy trì ổn định.

Ông Bhalla nói: "Xét chung về kinh tế toàn cầu đang trong thời kỳ bùng phát thì chúng ta đang ở vào giai đoạn rất tuyệt vời. Chẳn hạn như Việt Nam, một nước đang phát triển, các nền kinh tế ở khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi, hay ở Châu Mỹ La Tinh – tất cả đều hội nhập vào tăng trưởng chung của kinh tế thế giới. Do đó tôi cho rằng đây là một giai đoạn rất tuyệt vời. Thế giới chưa bao giờ chứng kiến được một giai đoạn tăng trưởng kinh tế toàn cầu như chúng ta đang có hiện nay."

Tình hình kinh tế vẫn còn sáng sủa đối với phần lớn người dân Mỹ, thế nhưng chi tiêu để mừng mùa Lễ Giáng Sinh năm nay sẽ phải chịu nhiều hạn chế hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG