Đường dẫn truy cập

Các tổ chức cứu trợ lo sợ cho dân nghèo Zimbabwe


Các tổ chức cứu trợ quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm về việc hoạt động phân phối thực phẩm cứu trợ bị chính quyền Zimbabwe ngăn cấm khiến cho 4 triệu người dân nước này sống nhờ vào viện trợ sẽ gặp nguy cơ đói kém. Phóng viên Tendai Maphosa tiếp xúc với một số cơ quan này và gửi về bài tường trình từ London như sau:

Lệnh cấm được loan báo qua một văn thư của ông Nicholas Goche, Bộ trưởng Bộ Lao động, Dịch vụ Công ích và An sinh Xã hội Zimbabwe, buộc các tổ chức cứu trợ phải ngưng tất cả các hoạt động trợ giúp của họ tại Zimbabwe.

Lệnh này đi tiếp theo sau lệnh cấm hoạt động của tổ chức CARE hồi đầu tuần. Phát ngôn viên của tổ chức quốc tế CARE, ông Kenneth Walker nói rằng lệnh cấm này còn bao gồm nhiều điều khác ngoài vấn đề phân phát thực phẩm. Ông cho đài VOA biết là CARE giúp đỡ cho hơn nửa triệu dân Zimbabwe bằng nhiều cách khác nhau.

Ông Walker nói: “Sự trợ giúp bao gồm nhiều cách, từ việc giúp cho trẻ mồ côi và những trẻ dễ bị tổn thương cho đến việc chăm sóc tại nhà cho những người bệnh kinh niên phần lớn là bệnh nhân HIV/AIDS, cung cấp các phương tiện lọc nước và vệ sinh, các chương trình nông nghiệp, cho các tiểu thương vay những khoản tiền nhỏ, hàng loạt những chương trình như thế.

Ông nói thêm là thêm vào con số nửa triệu người này, CARE đang dự định sẽ phân phối thực phẩm trở lại cho khoảng 100,000 người trong tháng này. Ông Walker cho biết cho đến tháng Ba đã có 1 triệu người Zimbabwe sống nhờ vào thực phẩm do cơ quan CARE phân phát. Vì nạn hạn hán khiến mùa thu hoạch kém, tổ chức này dự định phân phát trở lại lương thực, thực phẩm cứu trợ cho 100,000 người trong tháng này.

Chương trình đã bị ngưng lại theo lệnh của chính quyền Zimbabwe. Nhà chức trách nước này cáo buộc tổ chức CARE đang vận động cho đảng đối lập là Phong trào Thay đổi Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống vòng nhì sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng Sáu này; một cáo buộc mà ông Walker bác bỏ. Tổ chức này yêu cầu chính quyền phải đưa ra bằng chứng về cáo buộc cho rằng họ can dự vào các hoạt động chính trị.

Cơ quan cứu trợ Thiên Chúa Giáo Christian Aid, một tổ chức cứu trợ phi chính phủ khác, cũng bầy tỏ sự lo sợ cho những người Zimbabwe kém may mắn phải sống nhờ vào sự trợ giúp khi nền kinh tế quốc gia đang trên bờ vực sụp đổ. Bà Judith Melby, nữ phát ngôn viên của tổ chức nói rằng nếu lệnh cấm vô thời hạn này được bãi bỏ sau cuộc bầu cử thì cũng phải mất một thời gian để cho tất cả các chương trình hoạt động bình thường trở lại.

Bà Melby nói: “Thật là điều không may vì phải sắp xếp lại hệ thống phân phối phẩm vật, có rất nhiều chuyện đã được tổ chức đâu vào đấy rồi và một khi bị đình chỉ thì có thể khó nhanh chóng hoạt động trở lại khi được phép.

Ủy Viện đặc trách Cứu trợ Nhân đạo của Liên hiệp Âu châu, ông Louis Michel, cũng lên tiếng đòi chính phủ Zimbabwe hủy bỏ lệnh cấm. Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, ông Michel kêu gọi chính quyền hãy bãi bỏ lập tức lệnh cấm hoạt động đối với các tổ chức cứu trợ phi chính phủ trước ngày bầu cử. Ông nói rằng ông rất đau lòng khi nghĩ đến hằng trăm ngàn người nhờ vào viện trợ của Ủy hội Âu châu và các tổ chức khác để sống sót, hiện đang đứng trước với một tương lai bất trắc hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG