Đường dẫn truy cập

Chủ tịch Ủy hội Châu Âu hối thúc Mỹ hành động nhanh về kế hoạch cứu nguy


Người đứng đầu Ủy Hội Châu Âu, ông Jose Manuel Barroso kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ hãy nhanh chóng hành động về kế hoạch cứu nguy cho các định chế tài chính đang lung lay, đã được chính phủ Mỹ đề nghị với một khoảng chi phí khổng lồ, và ông cũng thúc giục cộng đồng quốc tế tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính đã từ thị trường Wall Street của Mỹ lan rộng khắp thế giới. Thông tín viên đài VOA Sonja Pace tường thuật tường thuật chi tiết về vấn đề này sau đây.

Lên tiếng tại Brussel, Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jose Manuel Barroso nói rằng Hoa Kỳ cần dẫn đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và đây là điều vô cùng quan trọng.

Chủ tịch Barroso nói: “Hoa Kỳ phải đảm trách việc này. Tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ chứng tỏ tài lãnh đạo mà hiện đang rất cần cho lợi ích của nước Mỹ và cho lợi ích của tất cả chúng ta.”

Tuy nhiên ông nói rằng cộng đồng thế giới cũng cần tìm giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng.

Các Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đổ ra hàng tỉ đôla vào các hệ thống ngân hàng nhằm cung cấp tiền mặt, vào thời điểm mà các ngân hàng không tin cậy lẫn nhau và không sẵn sàng cho nhau vay tiền.

Nhưng theo Chủ tịch Ủy hội châu Âu Barroso thì chỉ cung cấp tiền mặt cho ngân hàng cũng không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Chủ tịch Ủy hội châu Âu nói: “Chúng ta còn cần phải đưa sự tín nhiệm vào đáp ứng của châu Âu, và đó là lý do vì sao chúng ta yêu cầu, cũng như thúc giục các nước thành viên trong liên hiệp hãy hợp tác chặt chẽ hơn.”

Đây là nhận định mới nhất của ông Barroso trong số những nhận định từ nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tài chính, thúc giục các nước hãy hành động khẩn cấp nhằm chận đứng cuộc khủng hoảng.

Tại thủ đô Washington, các nhà lập pháp Mỹ đã tranh cãi sôi nổi chương trình do chính phủ đề nghị nhằm cứu nguy ngành tài chính.

Khi nói về vấn đề này với nhiều người dân thường trên đường phố London, có phần chắc họ đều cho rằng toàn bộ cuộc khủng hoảng tài chính này là do nước Mỹ gây ra. Những chuyển biến đầu tiên của cuộc khủng hoảng quả thực là phát xuất từ Hoa Kỳ – khởi sự với sự sụp đổ của thị trường tín dụng do việc các cơ sở tài chính cho khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay tiền mua nhà, và tiếp theo sau là sự sụp đổ gần đây hơn của các định chế tài chính, và các ngân hàng ở thị trường tài chính New York.

Tuy nhiên theo kinh tế gia người Anh bà Margaret Bray, thuộc Đại học Kinh tế London thì đây là vấn đề của cả thế giới.

Kinh tế gia Margaret Bray giải thích: “Đây không phải là một vấn đề hoàn toàn do Hoa Kỳ gây ra. Tình trạng này đã diễn ra lâu nay trong các trung tâm tài chính trên toàn thế giới, và thực sự là với các định chế tài chính lớn, có mặt trong tất cả các trung tâm tài chính quan trọng - như London, Frankfurt, Tokyo, Hong Kong cũng như ở New York, và thế giới là nơi tương quan mật thiết với nhau.”

Bà Lisa Montgomery, một doanh nhân Mỹ ở London chuyên cố vấn về vấn đề giáo dục cho các gia đình muốn gửi con sang Hoa Kỳ học đại học. Bà nói rằng tình trạng tan rã của ngành tài chính là mối lo ngại lớn nhất đối với các khách hàng của bà từ các nơi trên khắp thế giới.

Bà Montgomery nói: “Tôi nghĩ rằng họ bị mất tinh thần quá đỗi, hầu như bị tê liệt. Họ tự hỏi : 'Tôi nên làm gì đây?' 'Tôi có nên tiếp tục để tiền trong thị trường chứng khoán hay không ?' 'Hay là rút tiền ra?' 'Tôi có nên mua xe hơi mới như đã định không?' 'Tôi phải xử sự như thế nào hôm nay? - họ không biết ứng phó thế nào trước tình hình tài chính, với tầm vóc to lớn đến nỗi rất khó mà hiểu thấu đáo và phức tạp đến nỗi có lẽ chỉ có một số rất nhỏ người thực sự hiểu được những tiểu tiết của vấn đề, và đó là chính điều làm cho người ta lo sợ.”

Một số đông hơn trong công chúng, nhất là ở Hoa Kỳ, còn tức giận về điều mà nhiều người coi như là những nhân vật thao túng thị trường tài chính New York, giàu sụ nhờ vào thị trường này trong khi lại hành xử vô trách nhiệm. Và đa số dân chúng dường như phản đối chính phủ sử dụng một khoản chi tiêu khổng lồ để cứu nguy. Nhiều người xem đó là một cách hỗ trợ cho các chủ ngân hàng và giới buôn bán chứng khoán trên phố Wall Street bằng tiền thuế của những người dân thường trong xã hội.

Bà Lisa Montgomery nói rằng cảm nghĩ đó không hoàn toàn đúng.

Bà Montgomery nói: “Bất cứ ai có mua bán chứng khoán, thì đều có tham gia vào hoạt động của thị turòng tài chính New york. Tiền đổ vào thị trường này từ khắp nơi trên thế giới, và người đầu tư quyết định đặt tiền vào thị trường với hy vọng thu lại được một khoản tiền lớn và trong một thời gian khá lâu thị trường tài chính New York đã mang lại được kết quả này.”

Từ nhiều năm qua, ngày càng có nhiều người thuộc thành phần công nhân viên trung lưu tham gia thị trường chứng khoán, kể cả đầu tư tiền hưu bổng và tiền dành dụm để cho con học đại học vào đó.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG