Đường dẫn truy cập

Sự sợ hãi tác động đến thị trường tài chính thế giới


Các thị trường tài chánh thế giới tiếp tục đương đầu với áp lực bán ra trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones ở Mỹ sụt thêm 7% trong ngày hôm qua, xuống còn 8,579 điểm, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Barry Wood.

Hầu hết những vụ bán tống cổ phiếu diễn ra vào chiều thứ Năm trong một ngày giao dịch có nhiều giao động. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones sụt tới mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2003. Chỉ số được nhiều người theo dõi chặt chẽ này giờ đây đã giảm hơn 5,000 điểm, hay 37%, so với mức cao nhất đạt được cách nay đúng một năm.

Ông David Gertz, một chuyên viên mua bán chứng khoán làm việc cho Quĩ Đầu tư High Mark, có nhận xét như sau.

Ông Gertz nói: "Chúng tôi không muốn sự sợ hãi thúc đẩy những hoạt động của các thị trường. Nhưng chúng tôi đang tiến tới chỗ đó, một chỗ mà cảm tính là một yếu tố vô cùng quan trọng."

Ông Scott Nations, một giới chức của Trung tâm Giao dịch Chicago, cho biết các nhà đầu tư cảm thấy thất vọng vì phải mất nhiều tuần nữa thì chính phủ mới có thể dùng khoản tiền 700 tỉ đô la đã được dành riêng để mua lại các tích sản bị mất giá.

Ông Nation nói: "Kế hoạch can thiệp 700 tỉ đô la có thể là một cách ứng phó hữu hiệu. Nhưng nếu phải mất 45 ngày nữa để số tiền đó đi vào hệ thống tài chánh thì chúng tôi sẽ bị mắc kẹt trong 45 ngày.

Hôm qua là ngày thứ 7 liên tiếp mà Thị trường Chứng khoán New York sụt giá.

Trong khi đó, giá dầu thô bình ổn ở mức 86 đôla một thùng và giá vàng giảm 20 đô la, xuống còn 886 đô la một ounce.

Hôm nay, các vị bộ trưởng tài chánh của 7 quốc gia công nghiệp giàu nhất thế giới sẽ nhóm họp tại Bộ Tài chánh Mỹ trong cuộc hội nghị được sắp xếp từ trước. Cuộc gặp gỡ này đã trở nên khẩn thiết hơn vì vụ khủng hoảng tín dụng bắt đầu ở Mỹ cách nay 14 tháng giờ đây đã lan sang Âu châu và nhiều nước khác trên thế giới.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Robert Zoellick cho biết rằng: tại hội nghị ở Washington các giới chức tài chánh sẽ thảo luận về những phương cách để giải tỏa tình trạng đóng băng tín dụng ngõ hầu những hoạt động cho vay có thể được thực hiện trở lại như bình thường.

Ông Zoellick nói: "Điều mà chúng ta đang chứng kiến là những tổ chức tài chánh, cho dù họ có một cơ sở vốn liếng tốt đẹp, họ vẫn không có đủ lượng tiền mặt để đáp ứng nhanh chóng đối với đòi hỏi của những người muốn rút tiền ra khỏi hệ thống."

Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Henry Paulson cũng dự trù triệu tập một cuộc họp bất thường vào ngày thứ bảy tới đây với các bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng trung ương của 20 quốc gia, bao gồm các nước công nghiệp và các nước đang phát triển.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG