Đường dẫn truy cập

TT tân cử Obama: Ngoại giao là đường lối của chính sách đối ngoại


Tổng Thống tân cử Barack Obama hứa hẹn sẽ đưa ra một đường lối đối ngoại mới sau khi nhậm chức. Trọng tâm của chính sách này sẽ dựa vào ngoại giao và chỉ dùng quân sự như biện pháp sau cùng. Thông Tín Viên Cindy Saine của VOA điểm qua một số thách thức đối ngoại quan trọng mà ông Obama sẽ đối mặt.

Trong bài diễn văn đọc tại Chicago vào đêm ông thắng cử, Tổng Thống tân cử Barack Obama hứa một 'bình minh mới cho vai trò lãnh đạo' của Hoa Kỳ.

Ông Obama nói: “Đối với những ai muốn phá hoại thế giới này, người Mỹ sẽ đánh bại họ. Đối với những ai muốn mưu tìm hòa bình và an ninh, người Mỹ sẽ yểm trợ quý vị. Và đối với những ai thắc mắc không biết ngọn lửa lý tưởng của Hoa Kỳ có còn được thắp sáng như trước đây hay không, đêm nay chúng tôi đã chứng minh thêm một lần nữa là sức mạnh của nước Mỹ không đến từ sự sắc bén của vũ khí hoặc từ mức độ của sự phồn thịnh, mà đến từ sức mạnh bền bỉ của những lý tưởng của người Mỹ, là dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng vô biên.

Ông Obama cũng hứa sẽ giữ cho nước Mỹ an ninh và hùng mạnh, nhưng dựa trên các biện pháp ngoại giao nhiều hơn là trên sức mạnh quân sự.

Trước đó, trên bước đường vận động, ông đã từng tuyên bố sẽ sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với lãnh đạo các quốc gia thù nghịch như Iran mà không đòi phải có điều kiện tiên quyết.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đắc cử, ông Obama nói ông sẽ cẩn thận duyệt lại bức thư chúc mừng mà Tổng Thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã gửi cho ông, và sẽ trả lời thư đó vào thời điểm thích hợp.

Ông Zbigniew Brzezinski, Cố vấn An ninh Quốc gia của cựu Tổng Thống Jimmy Carter, cho rằng đối thoại dễ mang lại thành công hơn trong một số trường hợp, chẳng hạn như trong nỗ lực giải quyết những khác biệt quan điểm về chương trình hạt nhân Iran.

Ông Brzezinski nói: "Theo tôi thảo luận nghiêm túc là chính sách tốt hơn so với leo thang các hành động thù nghịch, đe dọa, là những biện pháp dễ dẫn đến thất bại. Nếu chúng ta thất bại thì lại xảy ra thêm một cuộc chiến khác nữa trong khu vực, bên cạnh những gì đang diễn ra tại Afghanistan, Pakistan và Iraq, và đó sẽ là một thảm họa cho khu vực, và cho cả Hoa Kỳ.

Về tình hình Afghanistan, Tổng Thống tân cử Barack Obama nói cuộc chiến đó không thể được giải quyết dứt khoát nếu không giải quyết các vụ tấn công ngang biên giới xuất phát từ Pakistan. Thế mà chính phủ Pakistan chưa chận đứng được các cuộc tấn công đó.

Ông Robert Hathaway, chuyên viên của viện nghiên cứu Woodrow Wilson ở Washington cho rằng Pakistan sẽ là thách thức lớn nhất mà ông Obama sẽ phải đương đầu.

Ông Hathaway nói: “Pakistan gần như đang đứng trên bờ vực của tình trạng tan rã. Đó là một quốc gia quan trọng, dân số đứng vào hạng thứ 6 trên thế giới, một nước có vũ khí hạt nhân. Hiện thời Pakistan đang trong tình trạng rất bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị, nói tóm lại, Pakistan hầu như đang có nguy cơ bị phá sản.”

Ông Barack Obama xuất thân từ một quá khứ được xem là khác thường. Cha ông là người Kenya, mẹ là người Mỹ đến từ thành phố Kansas. Một vài năm trong thời niên thiếu, ông cư ngụ tại Indonesia, một đất nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Ông Robert Hathaway nói những yếu tố đó đã cho ông Obama một cái nhìn khác biệt về một số vấn đề.

Ông Hathaway nhận định: “Theo tôi thì do những kinh nghiệm bản thân– chẳng hạn như, ông là một người thuộc nhóm thiểu số, và sự kiện đó đã khiến ông có một sự nhạy cảm nào đó mà những người thuộc khối đa số có thể không có.”

Có lẽ đó cũng là yếu tố khiến ông Obama được tiếp đón nồng hậu ở nước ngoài hồi tháng bảy vừa rồi, trong thời gian đi vận động tranh cử, và mới đây tin ông đắc cử đã được hoan nghênh nhiệt liệt trên khắp thế giới. Tuy nhiên ông Obama sẽ phải cật lực làm việc để đối phó với những thách thức về mặt đối ngoại sau khi lên nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG