Đường dẫn truy cập

FED sử dụng hàng trăm tỉ đôla để kích thích kinh tế


Theo các số liệu mới được chính phủ công bố thì hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ đã co cụm nhiều hơn mức tiên liệu.Trong một dấu hiệu khác cho thấy thị trường thị trương tín dụng vẫn tiếp tục bị siết chặt, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đang dành riêng hàng trăm tỉ đôla nữa để mua các món nợ thế chấp khó đòi và đẩy mạnh hoạt động cho giới tiêu thụ vay tiền. Thông tín viên đài VOA Michael Bowman tường trình từ Washington về vấn đề này như sau.

Theo các số liệu đã được điều chỉnh do Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố thì mức tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong quí 3 năm nay đã giảm 0,5%, cao hơn mức dự đoán trước đây là 0,3%.

Tăng trưởng âm trong quí 3 diễn ra tiếp theo sau một năm tình hình kinh tế tiếp tục èo uột, và mặc dù chưa hết quí 4, các nhà kinh tế tin rằng mức tăng trưởng trong quí này cũng sẽ giảm đáng kể.

Kinh tế gia Peter Morici thuộc Đại học Maryland nhận định về tình hình sẽ dẫn đến các hệ quả tệ hơn.

Ông Morici nói: “Tổng sản phẩm quốc nội, giảm khoảng 0,5% vì giới tiêu thụ chi dùng ít, số nhà mới xây giảm xuống, và chi phí kinh doanh cũng giảm. Điều đáng lo ngại là các yếu tố đó là điều báo trước sắp có những hệ quả tệ hại hơn.”

Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng tình hình kinh tế suy trầm hiện nay là do các điều kiện tín dụng bị thắt chặt, xuất phát từ hàng loạt vụ xiết nhà và chủ nhà vỡ nợ. Trong mấy tuần lễ gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều biện pháp năng động và chưa từng có trước đây để vực dậy hoặc nắm quyền kiểm soát các định chế cho vay và các công ty tài chính hàng đầu, tổng cộng hơn 2.000 tỉ đôla đã được đổ vào nỗ lực này.

Giờ đây Quĩ Dự trữ Liên bang tuyên bố sẽ dành một ngân khoản bổ sung 600 tỉ đôla để giữ cho thị trường địa ốc khỏi sụp đổ, và thêm 200 tỉ đôla khác nữa để cải thiện tình trạng đình đốn của tín dụng tiêu thụ.

Một phần nhỏ trong các ngân khoản mới này được trích từ 700 tỉ đôla của chương trình cứu nguy đã được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng trước, hiện do Bộ Tài chính quản lý. Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson nhận định về các biện pháp này như sau.

Bộ trưởng Paulson nói: “Bằng cách tăng khả năng thanh khoản cho các nhà cho vay tiêu thụ, Quĩ Dự trữ Liên bang tạo điều kiện để cho một số lớn định chế tăng cường hoạt động cho vay, người tiêu thụ hoặc các tiểu thương dễ vay tiền, với lãi suất thấp hơn. Loan báo của Quĩ Dự trữ Liên Bang hôm thứ ba cho thấy rõ sự hỗ trợ của chúng tôi đối với thị trường địa ốc. Tạo điều kiện để cho vay mua nhà là biện pháp quan trọng nhất để vượt qua thời kỳ khó khăn này trên thị trường địa ốc.”

Rất ít, nếu có thể nói là không có một nhà kinh tế nào tranh cãi về tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi về tín dụng để duy trì sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ, và cũng không kinh tế gia nào tranh cãi về việc chính phủ liên bang cần tìm mọi cách để đảo ngược tình trạng đổ vỡ trong lãnh vực tín dụng đã kiềm hãm các hoạt động doanh nghiệp và khả năng mua sắm của giới tiêu thụ.

Tuy nhiên, giáo sư kinh tế học Lawrence White thuộc Đại học Missouri thì cho rằng, quy mô của các đề xướng đã được thực hiện cho đến nay, và sự cần thiết của các đợt can thiệp liên tiếp của chính phủ là chỉ dấu đáng lo ngại về tầm cỡ và mức độ khó khăn của vấn đề mà Hoa Kỳ đang phải đương đầu.

giáo sư White nhận định: “Chúng ta phải thừa nhận đây vẫn còn là một vấn đề lớn, Quĩ Dự trữ Liên bang đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ rằng định chế này sẽ tiến hành các nỗ lực quyết liệt, và rộng rãi hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng.”

Trong bối cảnh các tin tiêu cực về kinh tế vẫn liên tục được tung ra, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson nói chính phủ liên bang đang vận dụng mọi khả năng để giảm thiểu các tác động tai hại đối với các hoạt động kinh tế.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG