Đường dẫn truy cập

Áp lực đang tăng để đạt kết quả tại Hội nghị Copenhagen


Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu diễn ra tại thành phố Copenhagen của Đan Mạch đã bước sang ngày thứ nhì giữa lúc có nhiều sự kiện nhắc nhở mọi người rằng tiến trình tăng nhiệt toàn cầu đang lấy đà, kèm theo những lời kêu gọi cộng đồng thế giới phải đạt được một thỏa thuận vững chắc, khả thi trong những ngày sắp tới. Từ hội nghị Copenhagen, thông tín viên Sonja Pace của đài VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Những buổi họp để bắt tay vào việc đã khởi sự và điều đó có nghĩa các nhà thương thuyết đang đương đầu với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề được mang ra bàn thương nghị. Mục tiêu là nhằm đi đến những giải pháp có thực chất, nhưng khả thi để cắt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và cổ võ cho các công nghệ mới, thân thiện với môi trường hơn, đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và đầu tư, và hỗ trợ các nước kém phát triển hơn thích nghi với các điều kiện mới.

Một giới chức hàng đầu về vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, ông Yvo de Boer, nhắc nhở các đại biểu tham hội rằng công việc trước mắt họ là một công việc đầy khó khăn.

Ông Boer nói: "Trong tuần lễ tới, các nhà thương thuyết cần đưa ra những đề nghị vững chắc có khả năng trở thành những viên đá tảng để làm nền cho một giải pháp đồng thuận."

Có những sự kiện nhắc nhở về những hậu quả sẽ xảy ra tùy theo kết quả hội nghị, giữa lúc có báo cáo của Cơ quan Khí Tượng Liên Hiệp Quốc rằng có phần chắc thập niên này sẽ là thập niên có khí hậu nóng nhất trong lịch sử, và năm 2009 là năm nóng bức hạng 5, kể từ khi các dữ kiện về khí hậu bắt đầu được thu thập hồi năm 1850.

Người đứng đầu Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới, ông Michel Jarraud, nói rằng đa số các khu vực trên thế giới đã chứng kiến thời tiết ấm nóng trên trung bình trong năm 2009.

Ông Jarraud nói: "Tại một số khu vực rộng lớn ở Nam Á, ở Trung Phi, các khu vực ấy có phần chắc sẽ thấy năm nay là năm có khí hậu nóng bức từ trước tới nay."

Đa số các nhà khoa học tin rằng xu hướng khí hậu nóng dần lên chủ yếu có thể do các hoạt động của con người gây ra, đặc biệt là việc sử dụng các năng lượng hóa thạch, và sự kiện các khu rừng bị khai thác, đốn cây.

Những người hoài nghi về tương quan giữa khí hậu và hoạt động của con người thì cho rằng hiện tượng tăng nhiệt địa cầu là một phần trong chu kỳ tự nhiên về khí hậu biến đổi.

Tại hội nghị Copenhagen, các chuyên gia cũng như giới chức nhấn mạnh đến những biện pháp mà cả công chúng lẫn các chính quyền có thể làm để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các khoa học gia nói rằng cần giảm lượng khí thải carbon dioxide từ 25% đến 40% để kiềm chế nạn tăng nhiệt địa cầu. Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã hứa sẽ cắt giảm khí thải. Hoa Kỳ còn chờ Quốc hội chấp thuận một đề nghị do chính quyền Tổng thống Obama đề xuất.

Ông Yvo de Boer nói rằng hiện vẫn còn nhiều tranh luận về thực chất của những lời cam kết đó.

Ông nói: "Điều mà tôi đã được nghe các đại biểu Châu Âu và Mỹ nói là: các mục tiêu mà Trung Quốc đề nghị có thể được cải thiện. Tôi cũng nghe các đại biểu Châu Âu và Trung Quốc nói: mục tiêu mà Hoa Kỳ đề ra có thể được cải thiện cho tốt hơn."

Ông de Boer nói thêm rằng các nước Châu Phi và các nước kém phát triển hơn thì nhận định rằng cho tới thời điểm này, họ chưa thấy mục tiêu của bất cứ nước nào có thể được coi là đáp ứng yêu cầu.

Tại Washington hôm thứ hai, Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Hoa Kỳ (EPA) tuyên bố rằng các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một "mối đe dọa cho y tế công và cho sức khỏe của nhân dân Mỹ." Tuyên bố này mở đường cho cơ quan Bảo vệ Môi trường có thể đề ra các quy định về khí thải trong tương lai, nếu Quốc hội Mỹ không làm điều này.

Tại hội nghị Copenhagen, những phát hiện của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ được hoan nghênh như một bước tích cực. Giám đốc đặc trách chiến dịch vận động chống tăng nhiệt địa cầu của tổ chức bảo vệ môi trường Hòa Binh Xanh nói với đài VOA rằng sau lời tuyên bố đó, cơ quan bảo vệ môi trường phải hành động quyết liệt hơn.

Ông Moglen nói: "Đây là bước quan trọng đầu tiên, tuy nhiên chỉ là bước thứ nhất. Chúng ta cần thấy EPA đưa ra các quy định quyết liệt và có hiệu lực tức thời để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính."

Ông Moglen nói loan báo của EPA về những rủi ro và hệ quả của tình trạng tăng nhiệt địa cầu sẽ chỉ được xem như một cử chỉ khoa trương chính trị, trừ phi Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp để cắt giảm lượng khí thải tại hội nghị Copenhagen.

Mặt khác, theo ông, Tổng thống Obama cần chứng tỏ tài lãnh đạo của ông trong lĩnh vực biến đổi khí hậu khi đến dự hội nghị cấp cao ở Copenhagen vào tuần tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG