Đường dẫn truy cập

TT Obama chuẩn bị nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình


Không đầy một năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama chuẩn bị sang Na Uy để nhận giải Nobel Hòa Bình. Ông nói ông cảm thấy rất khiêm cung khi được trao giải này và ông không chắc ông đã làm đủ để nhận trao một vinh dự to lớn như thế. Và theo như tường trình của thông tín viên Paula Wolfson thì một cuộc thăm dò mới đây cho thấy hầu hết người Mỹ đồng ý như vậy.

Lời loan báo của Chủ tịch Ủy ban Nobel làm cả thế giới ngạc nhiên.

“Ủy ban Nobel của Na Uy quyết định là giải Nobel Hòa Bình năm 2009 được trao cho Tổng Thống Barack Obama.”

Ngay cả Tổng thống Obama cũng kinh ngạc.

Ông nói: "Thành thật mà nói tôi không cảm thấy là tôi xứng đáng đứng chung với nhiều khuôn mặt làm thay đổi thế giới được giải thưởng vinh danh này."

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy số đông người Mỹ đồng ý với nhận định này.

Ông Peter Brown là người đứng đầu cuộc thăm dò của trường đại học Quinnipac, đã hỏi ý kiến của gần 2300 người Mỹ về giải Nobel Hòa Bình năm nay.

Ông Brown cho biết: "Chỉ có 26% người Mỹ cho rằng Tổng thống Obama xứng đáng được giải Nobel Hòa Bình, rõ ràng đây là một con số không lớn lắm."

Sự ủng hộ rất thấp trong số những cử tri Cộng hòa và độc lập. Ông Brown ghi nhận thêm là ngay cả trong đảng Dân chủ của ông Obama chỉ có 49% cử tri nói là Ủy ban Nobel chọn đúng người.

Ông nói thêm: "8% đảng viên Cộng hòa nghĩ là Tổng thống đáng được giải thưởng này. Đây là một con số khá thấp. Và một điều thích thú là có 19% cử tri độc lập cho rằng Tổng thống Obama xứng đáng được giải. Rõ ràng là đảng viên Dân chủ chiếm số đông nhưng không có đa số trong đảng Dân chủ nghĩ là Tổng thống đáng được giải này."

Những quan điểm này còn được nghe thấy trên đường phố nước Mỹ.

Một cư dân New York nói: "Tôi nghĩ là Ủy ban nên chờ một ít lâu nữa."

Một người sống ở Washington D.C phát biểu: "Đây là chỉ dấu của thế giới thấy chúng ta đã làm rất đúng khi bầu cho ông Barack Obama."

Một người dân cư ngụ tại Chicago có ý kiến: "Dù là tôi thích ông Obama lắm nhưng tôi không biết là ông đã làm đủ chưa để nhận được vinh dự như thế."

Tổng Thống Barack Obama cũng công nhận như vậy. Ông cho rằng đôi lúc giải Nobel được trao tặng không phải để vinh danh một thành quả rõ ràng nào đó nhưng để tạo lực đẩy cho một số lý tưởng.

Tổng thống nói: "Và đó chính là lý do tại sao tôi nhận giải thưởng này như là một lời kêu gọi hành động, một lời kêu gọi toàn thể các quốc gia đối đầu với những thách đố chung của thế kỷ 21."

Tòa Bạch Ốc nói là bài diễn văn Tổng thống Obama đọc nhân ngày nhận giải Nobel tại Oslo sẽ được xây dựng trên luận thuyết này. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs tuyên bố là Tổng thống Obama cũng sẽ đề cập đến thực tế của một người nhận giải Nobel Hòa Bình hiện đang lãnh đạo một quốc gia đang phải đối phó với chiến tranh tại Iraq và Afghanistan.

Ông Gibbs cho biết: "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ trực tiếp đề cập đến khái niệm mà nhiều người tự hỏi là phải chăng có sự tương phản giữa giải Nobel Hòa Bình và cam kết của Tổng thống Obama tăng quân tại Afghanistan hay không."

Sự tương phản này đè nặng lên vai Tổng thống Obama khi ông chuẩn bị gia nhập hàng ngũ của những người được giải Nobel Hòa Bình trước đây như cựu Tổng thống Nelson Mandela, cố Mục sư Martin Luther King, Jr., và bà Aung San Suu Kyi. Tổng thống Obama công nhận là thành quả của ông rất mờ nhạt khi so với những nhân vật này gợi ý rằng giải thưởng ông nhận được có thể là để hướng về hy vọng trong tương lai hơn là thành quả đạt được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG