Đường dẫn truy cập

Dịch vụ 'Du lịch để chữa bệnh' phát triển tại Châu Á


<!-- IMAGE -->

Châu Á đang được xem như một trung tâm phát triển về hoạt động toàn cầu hóa các dịch vụ y tế, nhờ mức cầu gia tăng tại các nước phát triển cũng như sự gia tăng thành phần trung lưu. Nhưng theo như tường trình của Ron Corben từ Bangkok, nhiều người lo ngại rằng cái được gọi là du lịch y tế sẽ lần hồi chuyển các nguồn tài lực từ hệ thống y tế công cộng sang lãnh vực tư nhân.

Phần lớn thời gian trong 10 năm qua, Thái Lan đã dẫn đầu thị trường du lịch y tế ngày càng phát đạt, khi có nhiều người nước ngoài đi tìm dịch vụ y tế ít tốn kém hơn và việc điều trị sẵn có.

Các dịch vụ có được gồm từ những phẫu thuật tim phức tạp, giải phẫu thẩm mỹ, chăm sóc răng miệng, thậm chí cả những loại hình điều trị chuyên biệt như là đông y, yoga và các cách điều trị cổ truyền Ấn Độ.

Tại Thái Lan, trong năm 2007 đã có tới 1,4 triệu du khách tới đây để được chăm sóc y tế, so với năm 2001 chỉ có nửa triệu. Ngành du lịch y tế trong năm 2007 đã thu về 1 tỉ đôla, và dự kiến tăng gấp 3 trong năm 2012, khi Bộ Y tế Thái dự liệu đón nhận 2 triệu du khách.

Số khách đông nhất đến từ Châu Âu, kế đó là Trung Đông và Hoa Kỳ.

Ông Kenneth Mays, giám đốc tiếp thị quốc tế tại bệnh viện Burungrad ở Bangkok nói rằng một yếu tố thu hút là tiêu chuẩn chăm sóc cao.

Ông nói: "Thái Lan cung ứng một sự kết hợp lý tưởng giữa chất lượng y tế và chất lượng dịch vụ. Có cả bệnh viện công lẫn tư, và cả hai đều chú trọng phục vụ khách hàng, vì phần lớn đều tự chi trả phí tổn điều trị của mình. Người Mỹ thường tới đây vì giá rẻ hơn từ 60 tới 80% so với sự điều trị tại quê nhà."

Nhưng Thái Lan đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, vì có thêm nhiều nước đầu tư vào dịch vụ y tế. Các nước như Singapore, Malaysia, Nam Triều Tiên và Philippines đều đang quảng bá du lịch y tế.

Ông Ruben Toral là Giám đốc của Medeguide, công ty tư vấn về y tế. Ông nói rằng có thêm nhiều người cân nhắc giữa giá rẻ và mức bảo đảm về chất lượng khi chọn nơi để đến điều trị.

Ông cho biết: "Tại Singapore bạn sẽ phải trả giá đắt, nhưng bạn biết rất rõ sẽ nhận được cái gì. Nếu muốn một đảm bảo tuyệt đối, hãy đến Singapore. Nếu muốn thật rẻ, hãy tới Ấn Độ. Ngay lúc này thì Thái Lan và Malaysia coi như khá tốt, nghĩa là chất lượng tốt, dịch vụ rất tốt, và sản phẩm cũng tốt."

Ông nói thêm du lịch y tế có phần chắc sẽ phát triển, nhất là tại Châu Á, bởi lẽ đó là nơi có dân số cao nhất, với Ấn Độ và Trung Quốc, đó là nơi chiếm 2/3 dân số toàn cầu. Và đó cũng là địa điểm chính của thị trường của thành phần trung lưu.

Ông Toral nói thêm rằng những bệnh nhân lớn tuổi từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Australia và Nhật Bản cũng sẽ tìm tới những nơi có thể chữa bệnh với giá rẻ.

Nhưng cũng có những mối quan ngại, là sự gia tăng đầu tư vào các dịch vụ y tế dành cho người giàu sẽ rút bớt các nguồn tài lực của những bệnh viện công trong khu vực.

Những người chỉ trích nói rằng nhiều cơ sở y tế công cộng đã bắt đầu chịu sức ép, và e rằng có thêm nhiều người chuyên nghiệp sẽ bỏ hệ thống công cộng để chuyển sang khu vực tư nhân.

Ông Viroj Na Ranong, một kinh tế gia thuộc viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, nói rằng hoạt động chuyển đổi kể trên đang diễn ra.

Ông cho biết: "Khi so sánh mãi lực, thì sẽ thấy sức mua do người nước ngoài đến cao hơn nhiều so với sức mua của thành phần trung lưu và thượng lưu tại Thái Lan. Đó là một vấn đề cơ bản, cho thấy bất cứ khi nào có đông đảo bệnh nhân ngoại quốc là bác sĩ sẽ bị lôi cuốn sang lãnh vực tư nhân."

Ủy ban Y tế Quốc gia của Thái Lan tường trình rằng đã có mấy chục chuyên gia y tế đã chuyển từ lãnh vực nhà nước sang khu vực tư nhân.

Viện Quản lý Phát triển Quốc gia nói rằng ngành du lịch y tế đã làm cho tình trạng thiếu y sĩ, nha sĩ và y tá tại bệnh viện công trở nên tồi tệ hơn.

Nhưng ông Mays, Giám đốc Tiếp thị Quốc tế tại bệnh viện Burungrad ở Bangkok ngờ vực sự khẳng định này.

Ông nói: "Nếu tính toán một cách nghiêm túc thì điều đó không đúng, vì Thái nhận khoảng 1,4 triệu du khách y tế từ nước ngoài. Đó chỉ là một phần của tổng số người Thái đi gặp bác sĩ và nhập viện. Số khách nước ngoài rất quan trọng đối với nền kinh tế trong nước và đem lại nhiều điều lợi cho quốc gia, nhưng chúng tôi không cho rằng nó chiếm phần lớn các nguồn lực của người bản xứ."

Ông Mays nói rằng sự bành trướng lãnh vực y tế tư nhân, và những hạn chế đối với số bác sĩ ngoại quốc làm việc trong nước, đã có tác dụng đảo ngược đối với nạn thất thoát chất xám; bằng chứng là các nhân viên y tế Thái được tuyển dụng ở nước ngoài bắt đầu trở về nước.

Các chuyên gia y tế khác nói họ chỉ làm việc bán thời gian cho những cơ sở tư nhân và vẫn phục vụ tại bệnh viện công.

Nhiều phân tích gia về y tế nói rằng sức mạnh kinh tế gia tăng của Châu Á và mức đầu tư gia tăng vào các dịch vụ y tế sẽ giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế với giá cả phải chăng của cả dân chúng trong khu vực lẫn du khách quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG