Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Một năm nhìn lại - Xã hội


Việt Nam: Một năm nhìn lại - Xã hội
Việt Nam: Một năm nhìn lại - Xã hội

Kỳ 3- Xã hội

GS. Ngô Bảo Châu được báo Times vinh danh: Tờ báo này đã bình chọn GS Châu là người có một trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009. Đây là một thành tích cá nhân của GS Châu, nhưng cũng là một niềm vui cho những người Việt Nam làm khoa học và cũng là một điểm sáng của nền giáo dục Việt Nam vốn trước nay bị chê bai là yếu kém.

GS Châu sinh năm 1972 và lớn lên ở Việt Nam. Ông từng học ở khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Có thể coi ông là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam, và đặc biệt là sản phẩm của mô hình “trường chuyên, lớp chọn” – là một mô hình cũng bị phê phán nhiều vì khuyến khích trẻ em học lệch về một số môn học nhất định.

Bauxite Tây nguyên và mối lo mang tên Trung Quốc: Năm 2009 cũng được đánh dấu bởi sự phản đối quyết liệt của dư luận, đặc biệt là trong giới trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Hàng loạt các tên tuổi lớn đại diện cho trí tuệ Việt Nam đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị gởi lên Quốc hội và Chính phủ yêu cầu đình chỉ các dự án này. Sự lên tiếng của các nhà khoa học đã tạo ra một làn sóng công luận rộng rãi khắp cả nước về vấn đề này. Từ chỗ không chủ trương đưa ra Quốc hội, các dự án ở Tây Nguyên đã được đưa ra thảo luận công khai trong phiên họp lần thứ 5 của cơ quan lập pháp hồi tháng 5 năm qua.

Lý do mà phe phản đối đưa ra là dự án này không có hiệu quả kinh tế và tai hại về môi trường. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề gây phản ứng dữ dội nhất trong công chúng là vai trò của Trung Quốc trong dự án này. Nhiều người cho rằng Trung Quốc hiện nay đang tìm cách bòn rút tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, từ ếch nhái, cua, cá, rắn rết, hải sâm, rong biển, ba ba thuồng luồng đến quặng kim loại. Đó là chưa kể sự xuất hiện bất thường của rất đông công nhân người Trung Quốc trên các công trường bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ gây ra quan ngại về an ninh quốc gia.

Những bức xúc này, kèm theo việc Trung Quốc liên tục lấn át và gây hấn trên Biển Đông đã khiến nhiều người Việt lo ngại và bất bình. Năm 2009 có lẽ là năm mà mối lo mang tên Trung Quốc ở Việt Nam được bộc lộ rõ ràng nhất trong công luận.

Thất vọng lớn của bóng đá nam tại SEA Games: Đội tuyển U23 làm tan nát lòng người hâm mộ - vốn rất đông - ở Việt Nam khi để thua trước Malaysia trong trận chung kết bóng đá nam hôm 17 tháng 12 năm qua.

Xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội yêu bóng đá, đặc biệt là bóng đá nam. Người Việt yêu bóng đá tới mức Việt Nam có bao nhiêu huy chương vàng trong bảng tổng sắp của SEA Games cũng không có ý nghĩa gì đặc biệt nếu VN không thành công ở môn bóng đá nam. Thanh niên Việt Nam chỉ xuống đường ăn mừng (và một số xuống đường để quậy phá) nếu đội tuyển U23 của Việt Nam thắng lợi. Và đội tuyển này đã làm đúng những gì người hâm mộ Việt Nam mong muốn – trừ ở trận trung kết.

Bóng đá không phải là một môn thể thao mà Việt Nam có thế mạnh. Việt Nam từng đạt được huy chương của Thế vận Hội ở một số môn như taekwondo và cử tạ. Đối với môn bóng đá nam, trong suốt 50 năm qua, Việt Nam chưa lần nào dành được huy chương vàng ở giải đấu khu vực Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Vì sao người Việt yêu thích môn bóng đá đến vậy là một câu hỏi khó trả lời. Có lẽ vì người Việt nói chung rất ít chơi thể thao, vì thế cũng không biết đến nhiều môn thể thao đa dạng. Bóng đá là môn được nhiều người chơi nhất, cũng vì thế là môn được nhiều người xem nhất. Từ chỗ đó, nó được nhà nước đầu tư nhiều nhất, và được các doanh nghiệp tài trợ và được quảng bá nhiều nhất.

Bát Nhã và Làng Mai: Sự kiện tu sinh Làng Mai bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã không phải là một sự kiện lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người Việt nhưng lại được các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài theo dõi từng bước.

Cần nhắc lại rằng ở Việt Nam hiện nay chỉ có một giáo hội được công nhận có tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Giáo hội này được tổ chức theo mô hình như một hệ thống cơ quan công quyền, bao gồm cơ quan trung ương, các Tỉnh hội (thành hội) phật giáo ở các tỉnh. Bên dưới nữa là các ban đại diện phật giáo ở các quận, huyện, thị xã. Có thể nói đây là một guồng máy thống nhất, được tổ chức chặt chẽ, và độc quyền trên mọi hoạt động liên quan đến Phật giáo ở Việt Nam.

Thiền sư (TS) Nhất Hạnh và các tu sĩ Làng Mai được chào đón ở Việt Nam hồi năm 2005 và 2007 với tư thế là các vị khách chứ không phải là một giáo hội cạnh tranh. Khi đệ tử của ông là thượng tọa (TT) Đức Nghi đứng ra xin mở các khóa tu ngắn hạn vào hồi tháng 8 năm 2006, nhà nước Việt Nam đã đồng ý và cơ sở của sự đồng ý này là TT Đức Nghi là người của GHPGVN và các khóa tu ở Bát Nhã chỉ là các khóa tu ngắn hạn. Theo các văn bản qua lại giữa TT Ðức Nghi với nhà nước và GHPGVN, các khóa tu ngắn hạn này có thời gian 3 tháng cho mỗi khóa, và sẽ nối tiếp nhau từ cuối tháng 8/2006 tới năm 2010.

Thế nhưng trong các thư từ trao đổi giữa TS Nhất Hạnh và TT Đức Nghi thì TS Nhất Hạnh muốn Bát Nhã trở thành một cơ sở vĩnh viễn của Làng Mai ở Việt Nam, hoạt động độc lập với GHPGVN. Vì chính quyền Việt Nam không chấp nhận một giáo hội khác ngoài GHPGVN, việc tu sinh Làng Mai ở Bát Nhã phải giải tán là kết quả tất nhiên.

Đã có nhiều tiếng nói lên án việc chính quyền buộc các tu sinh Làng Mai phải giải tán. Thế nhưng có vẻ như câu chuyện thực sự ở đây là việc chính quyền Việt Nam chỉ chấp nhận một giáo hội, và chuyện TS Nhất Hạnh muốn phá bỏ quy định này của nhà nước – và ông đã không thành công.

Vụ án PMI và RBA: PMI và RBA chỉ là hai vụ án hối lộ do Nhật Bản và Úc phanh phui, nhưng đều liên quan tới quan chức Việt Nam. Chính vì thế, chúng có ảnh hưởng tai hại tới hình ảnh các quan chức Việt cũng như đến tính khả tín của toàn bộ bộ máy nhà nước nói chung. Nhật Bản thậm chí còn quyết định ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian xuất phát từ vụ án này.

Trong vụ án PCI, quan chức Việt Nam có dính líu tới hối lộ là ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Tuy nhiên, việc điều tra và đưa ông Sỹ ra xét xử từ phía Việt Nam đã tỏ ra chậm chạp. Trong số nhiều lý do được đưa ra có cả lý do cần thời gian để dịch tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp.

Hiện nay ông Sỹ đang ngồi tù nhưng lại không liên quan gì tới vụ án hối lộ của Nhật. Ông Sỹ bị ngồi tù vì đã cho thuê trái phép trụ sở của PMU Đông Tây để lấy tiền chia chác. Tuy nhiên, theo Vnexpress ông chỉ chịu mức án nhẹ (3 năm thay vì 5-6 năm tù theo đề nghị của VKS) vì ông có “công nhiều hơn tội” (?) và có “nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa… giảm nhẹ hình phạt” cho ông.

Khác với vụ PMU, vụ RBA chỉ mới bắt đầu từ hồi tháng 10 vừa qua. Theo văn bản giải trình của Thượng nghị sĩ Bob Brown của Úc trước QH nước này vào ngày 27 tháng 10 thì tập đoàn Reserve Bank of Australia (RBA) đã hối lộ ông Lê Đức Minh, là con trai của cựu thống đốc Lê Đức Thúy. Theo văn bản của TNS Brown thì “vào năm 2002, khi Việt Nam chuyển từ tiền giấy sang tiền polymer, Securency (chi nhánh của RBA) đã kết hợp với công ty CFTD ở Hà Nội và chi nhánh của nó là Banktech. Hồi đầu năm 2002, phó giám đốc Banktech Lê Đức Minh đã đứng ra thực hiện thương vụ này. Securency đã trả nhiều triệu đô la hoa hồng cho các giám đốc của CFTD có quan hệ với các nhân vật chính trị của Việt Nam.”

Phía Úc vẫn chưa đưa vụ án ra tòa và nhà nước Việt Nam vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về sự kiện này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG