Đường dẫn truy cập

Mối đe dọa khủng bố từ Nigeria dưới cái nhìn của các học giả


Mối đe dọa khủng bố từ Nigeria dưới cái nhìn của các học giả
Mối đe dọa khủng bố từ Nigeria dưới cái nhìn của các học giả

<!-- IMAGE -->

Trong khi hệ thống tòa án Hoa Kỳ bắt đầu thủ tục xét xử nghi can Nigeria đã âm mưu đánh bom một chiếc máy bay trực chỉ Hoa Kỳ vào ngày Lễ Giáng Sinh, các học giả Mỹ đang xét xem liệu Nigeria có thể trở thành một đe dọa về mặt khủng bố quốc tế hay không. Thông tín viên Nico Colombant của VOA tường trình từ thủ đô Washington.

Trong khi các giới chức Mỹ và hệ thống tòa án Hoa Kỳ đang chật vật đối phó với hệ quả của cuộc tấn công bất thành nhắm vào một máy bay trên đường đến thành phố Detroit, chính quyền Nigeria tái khẳng định đây chỉ là một sự cố đơn lẻ. Chính quyền Nigeria lưu ý rằng nghi can Umar Farouk Abdulmutallab, 23 tuổi, đã trải qua phần lớn thời mới lớn và trưởng thành của y ở ngoài nước Nigeria.

Chính quyền Nigeria đã phản ứng giận dữ khi người Nigeria được ghi vào danh sách các hành khách mà Hoa Kỳ yêu cầu phải được khám xét kỹ lưỡng hơn. Họ còn nói rằng các biện pháp an ninh phụ trội đó có thể đe dọa các quan hệ song phương với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, học giả J. Peter Pham nói rằng ngày càng có nhiều quan tâm về nguy cơ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Nigeria.

“Mặc dù chủ nghĩa Hồi giáo của Tây Phi theo truyền thống vẫn ôn hòa và chịu ảnh hưởng nặng nề của các hệ phái Sufi, trong khoảng từ 15 đến 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự xâm nhập ngày càng tăng của một số phần tử cực đoan, vì thế tôi tin rằng đây cũng chỉ là vấn đề thời gian”.

Mới đây hàng chục người đã bị sát hại trong các vụ bạo động có liên quan tới các phần tử Hồi giáo cực đoan ở thành phố Bauchi phía Bắc Nigeria. Một nhóm tự xưng là Boko Haram, và một số nhóm liên hệ khác kêu gọi áp đặt điều mà họ gọi là “Hồi giáo thuần túy” lên khắp lãnh thổ Nigeria. Tên của nhóm này có nghĩa là “Giáo dục Tây phương là tội lỗi.”

Ngoài ra còn một giáo phái Hồi giáo khác tự xưng là Taliban, nhóm này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công tại khu vực phía Bắc Nigeria, nơi phần lớn cư dân theo Hồi giáo.

Ông Phạm, Giám đốc Dự Án Châu Phi tại Ủy Ban Chính sách Đối ngoại Quốc gia của Hoa Kỳ, cho biết có một số các nhóm khác ở Nigeria cần được theo dõi sát.

Ông Phạm cho biết: “Tại Nigeria có một nhánh của Hezbollah thỉnh thoảng vẫn tổ chức tuần hành tại nhiều bang khác nhau ở miền Bắc. Có những nhóm cực đoan ngày càng xâm nhập sâu hơn vào khu vực này, thường thì các nhóm ấy được tài trợ bằng tiền gửi đến từ bên ngoài khu vực, nhưng rõ ràng là họ có mặt tại đó”.

<!-- IMAGE -->

Tuy nhiên, một giáo sư Khoa học Chính trị người Mỹ gốc Nigeria, bà Mojubaobolu Olufunke Okome thuộc Đại học Thành phố New York, nói rằng không nên gán ghép cho nguyên cả một quốc gia về những mối đe dọa khủng bố.

Giáo sư Okome nhận định: “Chỉ vì một người gốc Nigeria làm điều đó, chúng ta không nên vơ đũa cả nắm mà cho rằng có nguy cơ tất cả mọi người dân Nigeria đều có thể là những kẻ khủng bố tiềm tàng. Làm như thế là hiểu lầm bản chất của sự việc đã xảy ra, và mức độ thế giới đã trở thành một cộng đồng toàn cầu.

Tuyển mộ một số người để thực hiện một việc gì đó, từ một công ăn việc làm cho tới các hoạt động nguy hiểm, cũng đã được toàn cầu hóa, và vì thế sự kiện một người nào đó xuất thân từ một nơi nào, không có nghĩa là nơi chốn ấy có thể là nơi xuất thân của người kế tiếp để làm cái hành động đó.”

<!-- IMAGE -->

Và như chính quyền Nigeria, Giáo sư Okome không đồng ý với lời yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, đòi khám xét các hành khách Nigeria kỹ lưỡng hơn.

Bà Okome nói: “Nếu ta nhìn vào vấn đề một cách có hệ thống, và xét những gì đã xảy ra trong các trường hợp công dân của các nước khác đã làm những việc tương tự, chẳng hạn như kẻ đánh bom giấu thuốc nổ trong giầy - mà tôi tin là một công dân Anh, tất cả mọi công dân nước Anh đâu có trở thành đối tượng bị khám xét cho thật kỹ? Thế nên tôi tin rằng thật là không công bằng nếu Nigeria bị đưa lên danh sách các quốc gia đáng quan tâm.”

Một số các nước mà nhà chức trách Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường các biện pháp khám xét phụ trội gồm có Yemen, nơi mà nghi can Abdulmutallab đã lưu lại trong nhiều tháng trước khi thực hiện âm mưu đánh bom ngày 25 tháng 12 vừa qua, dù đây là một âm mưu thất bại.

Kẻ đánh bom sử dụng giầy mà giáo sư Okome nhắc đến là công dân Anh Richard Reid. Reid đang thọ án tù chung thân, vĩnh viễn không được ân xá, tại bang Colorado của Hoa Kỳ, sau khi bị kết tội âm mưu đánh bom một phi cơ bằng thuốc nổ dấu trong giầy năm 2001.

Tội ác của Reid đã dẫn đến việc tất cả mọi hành khách được yêu cầu phải cởi giầy khi qua thủ tục an ninh trước khi lên máy bay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG