Đường dẫn truy cập

Tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên ngày càng tệ


<!-- IMAGE -->

Một nhà nghiên cứu được Liên Hiệp Quốc đặc biệt bổ nhiệm đặc trách các vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên nói rằng tình hình ở đó đang trở nên tệ hại hơn. Từ Seoul, thông tín viên VOA Kurt Achin ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hôm nay, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, ông Vitit Muntarbhorn đã phác họa một hình ảnh u ám về đời sống ở Bắc Triều Tiên.

Ông Vitit cho biết: “Tình hình hiện nay đang cực kỳ nghiêm trọng. Cực kỳ nghiêm trọng.”

Ông Vitit, một học gia về luật gốc Thái, sắp kết thúc nhiệm kỳ 6 năm làm báo cáo viên cho Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Ông đã đúc kết các báo cáo thường niên nêu lên những vụ vi phạm nghiêm trọng như tra tấn, hành quyết công khai, ép buộc phá thai và không cho hưởng các nhu cầu cơ bản để sống còn như thực phẩm và thuốc men.

Nói chuyện với các phóng viên ở Seoul hôm nay trong chuyến đi cuối cùng trong nhiệm kỳ đến Nam Triều Tiên để tìm hiểu sự thực. Ông Vitit thừa nhận rằng miền Bắc đã thực hiện điều ông gọi là “những điều chỉnh nhỏ nhoi” phản ánh các mối quan tâm về nhân quyền trong các luật lệ của họ.

Ông Vitit nói: “Nhưng về thực chất, đã có những sai trái và vi phạm rất nghiêm trọng trong suốt thời gian 6 năm tôi theo dõi vấn đề này. Và về một số vấn đề, thì năm vừa qua tình hình có thể nói lại còn nghiêm trọng hơn cả 3 hay 4 năm trước đây nữa.”

Ông Vitit cho biết Bắc Triều Tiên đang đối xử với những người tìm cách trốn khỏi nước một cách khắt khe hơn so với trước đây. Các tổ chức nhân quyền cho hay hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên đã băng qua biên giới vào Trung Quốc kể từ khi xảy ra nạn đói hồi thập niên 1990 để mưu tìm thực phẩm, công ăn việc làm, hay một cơ hội để trốn sang Nam Triều Tiên.

Ông Vitit nói thêm: “Những người tìm cách ra đi và đang bị trừng phạt vì tìm cách ra đi, hoặc bị gửi trả về và bị trừng trị nghiêm khắc hơn – đây là một tình trạng rất đáng lo ngại, và sự kiện đó đang trở nên tệ hại hơn trong vài năm vừa qua.”

Khoảng 18,000 người Bắc Triều Tiên đào tỵ sống ở Nam Triều Tiên. Họ là một nguồn thông tin chính cho ông Vitit, bởi vì Bình Nhưỡng đã từ chối không cho phép ông đi thăm và không chịu hợp tác trong cuộc điều tra của ông. Các cơ quan Liên Hiệp Quốc làm việc ở Bắc Triều Tiên cũng nằm trong số những nguồn tin thứ cấp của ông Vitit về tình hình ở đó.

Bắc Triều Tiên phủ nhận mọi lời cáo buộc vi phạm nhân quyền, và mô tả vấn đề nhân quyền là một vũ khí mà các quốc gia khác sử dụng để làm cho Bắc Triều Tiên suy yếu về mặt chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG