Đường dẫn truy cập

Sau 10 năm chiến tranh, Afghanistan đứng trước một tương lai bất định


Ðô Ðốc Hoa Kỳ Mike Mullen cảnh báo về khả năng nội chiến nếu chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai không giải quyết một cách quyết liệt tình trạng tham nhũng lan tràn trong chính phủ của ông
Ðô Ðốc Hoa Kỳ Mike Mullen cảnh báo về khả năng nội chiến nếu chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai không giải quyết một cách quyết liệt tình trạng tham nhũng lan tràn trong chính phủ của ông

Sau 10 năm tại Afghanistan, Hoa Kỳ đang tính toán một cuộc triệt thoái binh sĩ trước cuối năm 2014. Nhưng có nhiều mối lo ngại về cách thức tiến hành sách lược của Hoa Kỳ tại Afghanistan và cuộc triệt thoái của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính Afghanistan và toàn vùng.

Những mối lo ngại mới đã xuất hiện về việc có thể lại xảy ra một cuộc nội chiến ở Afghanistan vào lúc Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu rút bớt quân trước khi triệt thoái hẳn trong 3 năm nữa.

Các nhà phân tích nêu ra sự táo bạo hơn trong các vụ tấn công của Taliban ở các vùng đô thị và các vụ ám sát có mục tiêu, nổi bật nhất là vụ ám sát cựu tổng thống Afghanistan Burhanudding Rabbani như các xu hướng đáng lo ngại.

Giáo sư trường Đại học Chiến tranh Hoa Kỳ Larry Goodson nói sự thiếu vắng một kết quả rõ ràng của vụ xung đột hiện này làm gia tăng khả năng của việc trở lại tình trạng hỗn loạn đẫm máu mà nước này đã gánh chịu hồi đầu thập niên 1990.

Ông Goodson nói: “Tôi e rằng một cuộc nội chiến khác sắp xảy ra. Tôi nghe thấy những người Afghanistan nói rằng “sẽ không có đâu vì chúng tôi chán chiến tranh lắm rồi. Đấy cũng là điều tôi hết sức hy vọng, rằng sự chán ghét chiến tranh sẽ đưa chúng ta đến đó. Nhưng điều tôi lo ngai là chúng ta chưa thấy được một cuộc chiến tranh quyết định ở Afghanistan. Chúng ta chưa thấy phe Taliban bị tận diệt chẳng hạn, hay một sự đè bẹp chế độ hiện hữu và phe Taliban trở lại nắm quyền.”

Trong cuộc điều trần tại Hạ viện, người từng là Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân Mike Mullen, cũng cảnh báo về khả năng nội chiến nếu chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai không giải quyết một cách quyết liệt tình trạng tham nhũng lan tràn trong chính phủ của ông.

Và đây là nhận định của đô đốc Mullen: “Nếu chúng ta tiếp tục từng bước giảm bớt quân số trong khi để cho tình trạng tham nhũng lọt ra ngoài vòng kiểm soát, tôi tin rằng chúng ta sẽ có nguy cơ để lại một chính phủ mà chúng ta không thể có lý do để trông đợi rằng người dân Afghanistan sẽ tin tưởng. Tình huống tốt nhất là nó sẽ dẫn đến các vụ xung đột địa phương trong nước. Tình huống tệ hại nhát là nó có thể dẫn đến một cuộc lật đổ chính phủ và nội chiến.”

Sách lược chống nổi dậy của Hoa Kỳ là làm suy yếu phe Taliban đến mức họ sẽ buộc phải đến bàn thương nghị, trong khi xây dựng khả năng của chính phủ trung ương nhằm cung cấp an ninh cho chính mình qua việc huấn luyện quân đội và cảnh sát.

Trọng điểm của sách lược là dành chỗ cho một tiến trình hòa giải giữa chính phủ và ít nhất một số phần tử Taliban. Nhưng đợt tấn công mới đây đã khiến nhiều người tin rằng phe Taliban không muốn đàm phán.

Sau vụ ám sát cựu tổng thống Rabbani - người từng đứng đầu Hội đồng Hòa bình Tối cao - thì ngay cả Tổng thống Hamid Karzai cũng buông xuôi và nói ông sẽ không nói chuyện với phe Taliban.

Ông Francesc Vendrell, cựu đại diện đặc biệt của Liên Hiệp châu Âu đặc trách Afghanistan, nói rằng hòa giải chưa chết hẳn, mà theo lời ông, chỉ nằm trong trạng thái hôn mê. Ông nói vụ ám sát ông Rabbani đã đào sâu các hố cách biệt về sắc tộc và khu vực gây khó khăn cực kỳ cho công cuộc hòa giải.

Ông Vendrell nói tiếp: “Trong tình hình hiện nay, nếu mọi sự giữ nguyên trạng trong 3 năm nữa, thì nguy cơ của một cuộc nội chiến sẽ rất cao bởi lẽ một trong các lý do là vụ ám sát ông Rabbani chỉ xác định rõ hơn trong trí những người miền bắc - cho dù họ có thích ông Rabbani hay không - là phe Taliban chống lại họ, và do đó sẽ chỉ tăng cường thêm sự chống đối của họ đối với bất cứ khái niệm hòa giải nào với phe Taliban.”

Theo ông Vendrell, ông sẽ không lấy làm ngạc nhiên chút nào nếu phe Taliban chỉ chờ để Hoa Kỳ và NATO ra đi trước khi có hành động.

Các giới chức Hoa Kỳ công khai khẳng định rằng mọi sự vẫn diễn tiến có lợi cho họ. Trong cuộc điều trần mới đây trước quốc hội, bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã hạ giảm tầm quan trọng của các vụ tấn công gần đây, kể cả vụ tấn công vào Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul.

Ông Panetta nói: “Nói chung, chúng ta coi sự thay đổi sách lược là kết quả trong sự biến chuyển về lực lượng có lợi cho chúng ta và là một dấu hiệu của sự yếu kém trong phe nổi dậy. Tuy bạo lực nói chung ở Afghanistan có chiều hướng đi xuống, và đi xuống đáng kể ở những khu vực mà chúng ta tập trung tăng quân, chúng ta phải tỏ ra hữu hiệu hơn trong việc ngăn chặn các vụ tấn công này và hạn chế khả năng của phe nổi dậy tạo ra các ý kiến là an ninh bị giảm sút.”

Nhưng nhấn mạnh rằng ông chỉ nêu ra các nhận định thuần túy cá nhân, ông Larry Goodson nói những con số dùng để đo lường thành quả chống nổi dậy không nói lên toàn bộ hiện trạng.

Ông Goodson lập luận: “Tôi chỉ nghĩ rằng đó là một sự diễn dịch không đúng tình hình bắt đầu bằng khái niệm là chúng ta đã lập được các chiến hào ở miền nam và tây nam, và dựa trên một các dữ liệu - con số tử vong và con số các vụ tấn công - mà tôi cho là không thích hợp với một cuộc nổi dậy hay chống nổi dậy và thực sự không nói lên được thái độ chiến lược của phe Taliban hay những người ủng hộ Taliban.”

Trong khi đó, Pakistan tiếp tục đóng một vai trò gây nhiều tranh cãi trong vùng có ảnh hưởng cách này hay cách khác đến hướng đi tương lai của Afghanistan.

Hoa Kỳ đã cáo buộc sở tình báo Pakistan là hậu thuẫn cho Taliban hay các nhóm có liên hệ với Taliban thực hiện những vụ tấn công hồi gần đây.

Và khi nói rằng ông sẽ không đàm phán với phe Taliban, Tổng thống Karzai tuyên bố ông sẽ giao dịch với Pakistan, mà ông gọi là “phía kia.” Nhà lãnh đạo Afghanistan sau đó đáp máy bay đi New Delhi để ký một hiệp ước đối tác sách lược với đối thủ của Pakistan là Ấn Độ.

Ông Francesc Vendrell lo ngại rằng các quyết định của Tổng thống Karzai có thể khiến cho Pakistan không rút ra khỏi Afghanistan mà sẽ trở nên táo bạo hơn ở đó.

Ông Vendrell giải thích: “Tôi nghĩ chuyến đi sẽ chỉ làm cho Pakistan thêm hoảng hốt rằng Ấn Độ và Afghanistan sẽ họp thành một phe và kẹp Pakistan ở chính giữa. Và nếu thực sự Afghanistan sẽ nhận các huấn luyện viên Ấn Độ giúp cho quân đội và cảnh sát thì điều này sẽ rất xấu bởi vì rõ ràng sẽ khiến cho Pakistan hết sức bực bội.”

Ông Vendrell gợi ý rằng sách lược duy nhất có thể làm cho Pakistan thay đổi đường lối đối với Afghanistn là Hoa Kỳ làm áp lực để Ấn Độ phải tỏ ra hợp tác hơn trong các vấn đề song phương giữa Ấn Độ và Pakistan, nhất là về vấn đề vùng Kashmir đang có tranh chấp.

Nhưng vấn đề đó vẫn còn hết sức gay go và là nguồn gây xung đột lớn giữa hai quốc gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG