Đường dẫn truy cập

Afghanistan: Nước sản xuất, sử dụng thuốc phiện nhiều nhất


Các nông gia trên cánh đồng thuốc phiện ở Helmand, miền nam Afghanistan
Các nông gia trên cánh đồng thuốc phiện ở Helmand, miền nam Afghanistan
Lại một lần nữa, Afghanistan là nước sản xuất thuốc phiện nhiều nhất trong năm 2012, chiếm khoảng 74% thuốc phiện bất hợp pháp trên thế giới. Theo Liên Hiệp Quốc, nền kinh tế do ma túy đem lại của Afghanistan vừa tài trợ cho cuộc nổi dậy ở đó, vừa đe dọa phá họa thêm tình trạng mong manh của nền kinh tế cũng như tình hình an ninh tại nước này.

Không phải Afghanistan là nước duy nhất trồng và sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Đại diện Cơ quan Ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc, ông Jean Luc Lemahieu, nói rằng nước này còn có hơn một triệu người sử dụng ma túy. Ông cho biết:

“Chính Afghanistan đã trở thành một nước tiêu thụ thuốc phiện và có một mức độ cao nhất số người nghiện thuốc phiện trên thế giới.”

Ông nói rằng, tình trạng dễ kiếm thuốc phiện, nạn tham nhũng, và một khối dân giờ đây đang ở trong thập niên thứ ba của chiến tranh đã đem lại kết quả là sự gia tăng phân phối và sử dụng ma túy bất hợp pháp khi dân chúng tìm cách chạy thoát khỏi cảnh ngộ khó khăn trong đời sống hằng ngày của họ.

Cơ quan phụ trách vấn đề ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc nói rằng việc buôn bán ma túy trái phép đe dọa gây phương hại cho nền an ninh và kinh tế và tạo ra sự hỗn loạn giữa các công dân trong nước.

Theo cơ quan của Liên Hiệp Quốc này, thì chỉ có 10% những người Afghanistan sử dụng ma tuý nhận được bất cứ hình thức chữa trị nào trong năm 2012, là năm được đề cập tới trong bản Báo Cáo về Ma Túy trên Thế Giới của họ.

Phát ngôn nhân của bộ Chống Ma Túy tại Afghanistan, ông Zabihullah Dayam nói rằng Afghanistan giáp ranh với Pakistan, Iran và vùng Trung Á không thể chống ma túy một mình.

Ông nói, “Chừng nào mà chúng ta không có một sự hợp tác và những cam kết chung trong và thậm chí vượt ra cả ngoài phạm vi khu vực, thì chính phủ Afghanistan sẽ khó mà thành công được.”

Ông Sayad Azam Iqbal, một cựu giới chức làm việc với Bộ chống ma túy và hiện là một chuyên gia về các vấn đề liên quan tới ma túy tại Afghanistan, nói rằng trách nhiệm về việc giải quyết vấn đề này thuộc về chính phủ và cộng đồng quốc tế. Ông nhận định:

“Vấn đề khó khăn chính, cội nguồn chính của những khó khăn này là tại Afghanistan và chính phủ Afghanistan cùng các lực lượng quốc tế hỗ trợ cho chính phủ Afghanistan. Trách nhiệm chính của họ là ngăn chặn vấn đề này.”

Nhưng ông Lemahieu nói rằng những khó khăn này có nhiều mặt, trong đó có tham nhũng, tội phạm, cấu kết với phe nổi dậy, và tình trạng không cung cấp những dịch vụ cần thiết của chính phủ. Ông nói:

“Điều đó có nghĩa là vào lúc này, chính phủ và cộng đồng quốc tế đã cung cấp yểm trợ và trợ giúp, chúng ta không có đủ dịch vụ để đối phó với những khó khăn ảnh hưởng tới quốc gia này trong thời điểm hiện nay.”

Ông Lemahieu nói rằng ba định chế nòng cốt chống ma túy của Afghanistan đang hoạt động mạnh nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, cho tới nay, không có cuộc thảo luận nào về phương cách sẽ tiếp tục sau khi giai đoạn chuyển tiếp về an ninh và chính trị sẽ hoàn tất, và lực lượng tác chiến quốc tế rời khỏi afghanistan vào cuối năm 2014.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG