Đường dẫn truy cập

Những quan ngại khi quân đội Afghanistan nắm giữ toàn quyền chỉ huy và giám sát


Cảnh sát Afghanistan gát tại một chốt kiểm soát ở Kabul, 10/4/12
Cảnh sát Afghanistan gát tại một chốt kiểm soát ở Kabul, 10/4/12

Các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ và Afghanistan gọi thỏa thuận chuyển giao quyền lãnh đạo các cuộc hành quân bố ráp ban đêm cho lực lượng Afghanistan là một cột mốc quan trọng tiến đến chủ quyền của Afghanistan. Tuy nhiên theo như Thông tín viên Đài VOA Brian Padden tường trình từ Islamabad, một số nhà phân tách nêu lên những quan ngại là tiến trình này bị thúc đẩy bởi động cơ chính trị và quân đội Afghanistan và tư pháp nước này chưa có đủ khả năng để thi hành thỏa thuận.

Phát ngôn viên Aimal Faizi của Tổng thống Afghanistan nói thỏa hiệp đạt được hôm Chủ Nhật đặt những cuộc bố ráp ban đêm dưới sự lãnh đạo của Afghanistan giải quyết được một nguyên nhân gây nên căng thẳng giữa chính phủ Afghanistan và quân đội Hoa Kỳ.

Ông Faizi nói “Việc Afghanistan hóa” những cuộc hành quân đặc biệt là một thành quả quan trọng của Afghanistan trong việc gìn giữ ổn định và cuộc chiến chung chống lại khủng bố.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã từng nói những cuộc bố ráp do các lực lượng nước ngoài thực hiện có tính cách khiêu khích và làm tăng sự bất bình của công chúng đối với các lực lượng quốc tế.

Các cấp chỉ huy NATO bênh vực những cuộc hành quân này, cho rằng những cuộc hành quân này rất hữu hiệu để làm gián đoạn những hoạt động của phe nổi dậy và bắt giữ các cấp chỉ huy của Taliban và al-Qaida.

Các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ và Afghanistan nói bằng cách giao trách nhiệm cho lực lượng đặc biệt Afghanistan và đòi hỏi thẩm phán Afghanistan cho phép các cuộc hành quân bố ráp mỗi đêm, thỏa thuận giải quyết được những quan ngại của cả đôi bên.

Tuy nhiên bà Samina Ahmed, chuyên gia phân tích an ninh Nam Á của Tổ chức Nghiên Cứu Khủng hoảng Quốc tế, nói thỏa thuận này cùng lắm cũng chỉ đưa ra được thay đổi bề ngoài mà thôi.

Bà nói lực lượng Afghanistan sẽ tiếp tục trông cậy vào Hoa Kỳ để điều khiển và yểm trợ những cuộc hành quân; và tư pháp Afghanistan thiếu huấn luyện và quyền hạn để đảm bảo là lực lượng đặc biệt, cảnh sát và dân quân địa phương Afghanistan bảo vệ nhân quyền và tuân hành luật pháp.

Bà Ahmed nói: “Hệ thống tư pháp Afghanistan rất yếu. Hệ thống này không có khả năng thi hành vì ngành tư pháp đã bị lơ là.”

Thỏa thuận cũng đòi cho tù nhân bị bắt trong các cuộc hành quân của lực lượng đặc biệt được nhà chức trách Afghanistan giam giữ. Việc này tiếp theo một thỏa thuận vừa mới được ký chuyển giao các tù nhân Afghanistan cho Kabul.

Các tổ chức nhân quyền đã nêu lên những nghi vấn trong việc đối xử với những người bị giam giữ trong các nhà tù Afghanistan và nêu chi tiết về những vụ tra tấn và ngược đãi. Chính phủ Afghanistan phủ nhận những cáo buộc này.

Những thỏa thuận này đưa Hoa Kỳ và Afghanistan đi đúng hướng trong việc đạt được một mục tiêu chính trị quan trọng—triển khai một hiệp ước đối tác chiến lược lâu dài trước hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức vào tháng 5 tại Chicago.

Hiệp ước đối tác sẽ cho phép giảm bớt sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Afghanistan sau khi rút hầu hết các binh sĩ chiến đấu Tây phương được dự trù vào năm 2014.

Bà Ahmed nói tiến trình chính trị được đẩy nhanh , đẩy mạnh không tương ứng với công việc huấn luyện và phát triển một đội quân nhà nghề của Afghanistan.

Bà Ahmed nhận định: “Theo sự đánh giá của chúng tôi, Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan ANSF không đủ khả năng đối phó với những thách đố bảo vệ nhà nước chống lại bất cứ loại bạo động này, dù ở bên trong hay bên ngoài biên giới Afghanistan.”

Bà Ahmed nói thêm là tình cảm chống Mỹ tại Afghanistan ngày càng tăng và chiều hướng phản chiến tại Hoa Kỳ cũng ngày càng lớn dần có thể đang thay đổi những động lực chính trị, nhưng thực tế quân sự tại Afghanistan cho thấy là lực lượng Afghanistan chưa sẵn sàng dẫn đạo cuộc chiến.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG