Đường dẫn truy cập

VietJet của VN đạt thỏa thuận sơ bộ mua 20 máy bay A330neo của Airbus


Một máy bay Airbus A330neo hạ cánh gần Toulouse, Pháp, 19/10/2017 (REUTERS/Regis Duvignau).
Một máy bay Airbus A330neo hạ cánh gần Toulouse, Pháp, 19/10/2017 (REUTERS/Regis Duvignau).

Hãng hàng không giá rẻ VietJet của Việt Nam nói hôm thứ Năm 22/2 rằng họ đạt được thỏa thuận sơ bộ về đặt mua 20 máy bay chở khách thân rộng A330neo của hãng châu Âu Airbus, cùng lúc VietJet mở rộng mạng lưới các tuyến bay đường dài.

Cam kết trị giá hàng tỷ đô la này được công bố tại Triển lãm hàng không Singapore và là một trong những đơn hàng lớn nhất tính đến thời điểm này tại sự kiện hàng không vũ trụ lớn nhất châu Á.

Nhu cầu về máy bay phản lực thân rộng đang tăng cao khi hoạt động đi lại bằng đường hàng không phục hồi sau đại dịch, mặc dù vậy, cuộc triển lãm hàng không bị phủ lên làn mây u ám bởi lời cảnh báo từ hãng hàng không Singapore Airlines của nước chủ nhà cho rằng giá vé hiện đang chịu áp lực do tình trạng dư thừa công suất vận chuyển.

Các máy bay mới của VietJet sẽ bắt đầu được giao từ năm 2026, và thỏa thuận sơ bộ sẽ trở thành hợp đồng đặt mua chắc chắn trong vài tuần nữa, phó chủ tịch chuyên trách bán hàng của Airbus là Benoit de Saint-Exupery cho biết.

VietJet, một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, nói rằng đơn hàng mua những chiếc A330-900 sẽ thay thế cho đội máy bay thuê gồm những chiếc A330-300 là phiên bản cũ hơn. Đây là lần đầu VietJet mua máy bay thân rộng.

Airbus rất mong kéo dài việc bán các máy bay A330neo của hãng cùng lúc họ thanh toán khấu hao dần chi phí nâng cấp và duy trì dòng máy bay A330 lâu năm này, trong khi dòng máy bay A350 mới hơn đang dần thay thế.

Thỏa thuận mới nhất cho thấy rõ sự tăng trưởng của VietJet. Hãng này nói hôm 21/2 rằng họ đang mở rộng kinh doanh ở các nơi như Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan.

Theo trang web của hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, VietJet hiện có đơn đặt hàng cho khoảng 108 máy bay Airbus và 200 máy bay Boeing.

Cũng hôm 21/2, tại Triển lãm hàng không Singapore, VietJet thông báo họ chọn động cơ Pratt & Whitney để lắp cho 19 máy bay thân hẹp Airbus A321neo.

Các nguồn tin trong ngành cho hay số máy bay đó là một phần trong hàng chục máy bay phản lực tương tự mà hãng hàng không giá rẻ đã đặt mua.

TRANH CHẤP VỀ MÁY BAY

Việc đạt thỏa thuận mua báy bay nêu trên diễn ra trùng thời điểm với một vụ tranh chấp riêng rẽ về việc siết nợ 4 máy bay Airbus cỡ nhỏ.

Một thẩm phán ở Anh hồi tuần trước ra lệnh cho VietJet không được can thiệp vào việc xuất khẩu 4 máy bay A321neo mà hãng FW Aviation (FWA) thu hồi. FWA nói rằng VietJet đã không trả tiền thuê kể từ năm 2021.

Hãng cho thuê nêu trên, là một thành phần của FitzWalter Capital có trụ sở tại London, cáo buộc VietJet cản trở quá trình thu hồi đã được thống nhất ở cấp độ quốc tế bằng cách can thiệp ở hậu trường vào nỗ lực xuất khẩu những chiếc máy bay bị dừng hoạt động ra khỏi Việt Nam.

Trong tuần này, VietJet phủ nhận việc họ cản trở hoạt động siết nợ 4 máy bay và đổ lỗi cho tình trạng chậm trễ là do hãng cho thuê mắc các lỗi về thủ tục.

VietJet nói trong một tuyên bố rằng họ vẫn cam kết tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình.

Tuyên bố viết: “Vào thời điểm đang có nhu cầu lớn về loại máy bay này, nỗ lực đổ lỗi cho VietJet bị bác bỏ hoàn toàn”.

Vụ tranh chấp đã và đang được tranh tụng tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội và được xem như là phép thử về quyền của các hãng cho thuê ở Việt Nam, họ có hàng trăm máy bay đem cho thuê, cũng như về các quy định cho thuê quốc tế trên bình diện rộng hơn, có tên là Công ước Cape Town.

Nhóm Công tác Hàng không, một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên giám sát luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và các hãng cho thuê, năm ngoái đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về việc nước này tuân thủ công ước Cape Town và tái khẳng định động thái này vào tháng 10/2023, ở thời điểm đó, Nhóm Công tác Hàng không nói rằng thủ tục mà hãng cho thuê tuân theo hoàn toàn hợp lệ.

Phía VietJet lại cho rằng “trái ngược với các tin bài (về trường hợp FWA), Công ước Cape Town có hiệu lực bình thường ở Việt Nam”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG