Đường dẫn truy cập

Những thay đổi và những cây đại thụ trong ngành tiếp viên hàng không Mỹ


Mới đây báo chí loan tin về một trong những người phục vụ lâu năm nhất trong ngành tiếp viên hàng không của Hoa Kỳ. Câu chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ gửi đến quí vị một số chi tiết về ngành tiếp viên hàng không Mỹ và ông Ron Akana người có thâm niên nhiều nhất trong lãnh vực này, qua những chi tiết lược thuật từ báo chí Hoa Kỳ.

Tờ the New York Times số ra ngày thứ Ba 20 tháng Ba có bài viết về ông Ron Akana, mô tả ông đứng trên chuyến bay 618 của hãng hàng không United Airlines đón khách đi Hawaii trong tháng trước.

Hành khách tuy bận rộn tìm chỗ ngồi và cất hành lý xách tay vào tủ nhưng vẫn phải chú ý đến người tiếp viên hàng không luống tuổi này với 11 hạt mặt đá sáng lóng lánh đính trên ve áo đồng phục. Đó là ông Ron Akana, đã có 63 năm thâm niên trong nghề. Hạt mặt đá thứ nhất trên ve áo tiêu biểu cho 10 năm phục vụ đầu tiên, và mỗi hạt còn lại tiêu biểu cho 5 năm trong nghề.

Ông bắt đầu công việc này năm 1949, đã bay trên 20 triệu dặm đường, con số này tương đương với 800 lần vòng quanh trái đất hoặc 40 lần khứ hồi từ quả đất đến mặt trăng và trở về địa cầu.

Năm nay đã 83 tuổi, ông Akana vẫn còn phục vụ trong nghề. Trong ngần ấy năm, ông đã chứng kiến rất nhiều đổi thay trong ngành tiếp viên hàng không Mỹ.

Những năm đầu khi ông mới bước chân vào làm việc trên những chuyến bay, hầu như tất cả hành khách trang phục rất sang trọng, tiếp viên dọn những bữa ăn nóng sốt, cầu kỳ cho khách, có cả bar rượu trên máy bay cũng như giường ngủ cho khách nghỉ đêm.

Tất cả chỗ ngồi đều là hạng nhất và ông Akana từng có dịp gặp gỡ những ngôi sao lừng danh của màn bạc như Burt Lancaster, Frank Sinatra, Montgomery Clift và Deborah Kerr, và ngay cả những chính trị gia nổi tiếng như ông Bill Clinton chẳng hạn.

Cách nay nhiều thập niên, những đòi hỏi trong trong việc thu dụng nhân viên vào ngành này rất khác với hiện nay. Chính sách thuê mướn phải bảo đảm là những người được tuyển dụng phải trẻ. Các nữ tiếp viên bắt buộc phải về hưu ở tuổi 32. Trong thời gian làm việc, họ không được phép kết hôn hay mang bầu. Nếu vi phạm lập tức bị cho nghỉ việc.

Tờ the New York Times đăng lại cho độc giả xem một quảng cáo tuyển tiếp viên vào năm 1966 với những điều kiện như sau: “Tốt nghiệp trung học, độc thân (góa phụ và phụ nữ đã ly dị không có con có thể được cứu xét), ít nhất 20 tuổi (các cô 19 tuổi rưỡi có thể nộp đơn để xét đơn trong tương lai). Cao trên 1 mét 57 nhưng không quá 1 mét 75. Cân nặng từ 47 tới 61 kilogram. Và thị lực phải đạt ít nhất 20/40 không đeo kính.”

Những người như ông Akana, tức là những nam tiếp viên, lại không phải theo các luật lệ khắt khe như vậy. Năm 1963 ông cưới vợ, cũng là một nữ tiếp viên, nhưng ông vẫn được tiếp tục làm việc còn bà phải nghỉ việc ngay lập tức.

Năm 1964 luật dân quyền được ban hành, nhưng phải đợi nhiều năm, sau khi có nhiều vụ kiện các hãng hàng không kỳ thị khi thuê mướn, những qui luật khắt khe đối với các nữ tiếp viên mới dần dần được hủy bỏ, tức là không được kỳ thị tuổi tác, nam, nữ v……..…v … Và kể từ đó một công việc được coi là chỉ dành cho các phụ nữ trẻ đã trở thành một nghề nghiệp lâu dài.

Con gái ông Akana, ra đời năm 1964, giờ đây là tiếp viên hàng không có 22 năm tuổi nghề. Theo thống kê của một chuyên gia xã hội học, ông Rogelio Saenz, thuộc đại học Texas tại San Antonio, hơn 40% con số khoảng 110 ngàn tiếp viên phi hành của Hoa Kỳ ở độ tuổi 50 hay hơn, và chỉ chưa đầy 18% trong độ tuổi từ 34 trở xuống.

Theo tài liệu của bộ Lao Động Hoa Kỳ, cơ hội được đi đây đi đó trong nghề này hấp dẫn rất nhiều người nộp đơn xin việc, do đó giờ đây tuy đòi hỏi tối thiểu về học thức vẫn là tốt nghiệp trung học, nhưng cạnh tranh trong việc tuyển người rất cao, thường có nhiều ứng viên hơn là việc làm, nên các hãng hàng không muốn chọn những người có trình độ đại học hơn, nhất là những người có kinh nghiệm giao tiếp với công chúng.

Ngoài ra nếu ứng viên có thêm khả năng ngoại ngữ, nhanh nhẹn, thoải mái khi giao tiếp với người lạ, và luôn giữ được bình tĩnh trong tình huống đầy áp lực là những lợi điểm cho ứng viên. Thêm vào đó các hãng hàng không cũng thường có thêm một số đòi hỏi về tuổi tác, sức khỏe và diện mạo nữa.

Sau khi được tuyển chọn, nhân viên mới được huấn luyện tại một trung tâm phi hành, về an toàn trong chuyến bay, cách tiếp đón và hướng dẫn hành khách và phải thực tập rất nhiều, và trong suốt thời gian huấn luyện, họ phải làm nhiều bài trắc nghiệm được đề ra để loại bỏ những người không đủ khả năng.

Vào giai đoạn cuối của thời gian huấn luyện, học viên được thực tập trên các chuyến bay. Sau khi hoàn tất học viên trúng tuyển được Cơ Quan Quản Trị hàng Không Liên Bang FAA cấp bằng.

Về lương bổng, theo tài liệu năm 2008 của văn phòng thống kê của bộ Lao Động, đồng lương trung bình của một tiếp viên hàng không vào khoảng gần 29 ngàn đô la. Dĩ nhiên nếu phải làm thêm giờ phụ trội sẽ được trả thêm.

Đồng lương của một tiếp viên mới vào nghề trung bình chỉ vào khoảng trên 16 ngàn đô la một năm, theo tài liệu năm 2009. Sau đó sẽ được tăng tùy theo khả năng và thâm niên.

Quay trở lại với ông Akana, vì là nhân viên có nhiều thâm niên nhất, ông luôn luôn được ưu tiên trong việc chọn giờ giấc các chuyến bay. Trong thời gian gần đây, thời biểu làm việc của ông là 3 chuyến bay một tháng, mỗi chuyến kéo dài 3 ngày từ Denver, bang Colorado, đến một đảo của bang Hawaii. Ông ngủ lại một đêm trên đảo, ăn trưa hay chơi golf với những bạn cũ của ông (ông là người bản xứ Hawaii), trước khi trở lại máy bay làm việc trên đường trở về Denver.

Với số tuổi 85 vẫn còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, ông lãnh đến 3 thứ lương: lương hưu, an sinh xã hội và lương tháng từ việc làm hiện tại. Ngay từ năm ông sắp 70 tuổi, lợi tức hằng năm cuả ông lúc đó được coi là cao nhất so với các đồng nghiệp, 106 ngàn đô la một năm! Đấy là từ 15 năm trước, giờ đây chắc chắn con số này phải cao hơn.

Trong lúc các đồng nghiệp của ông phải làm việc vì lý do tài chính, đối với ông Akana, ông không làm việc chỉ để có đồng lương. Sau hơn 60 năm ở với công việc này, cái ý định “rửa tay gác kiếm” rất khó cho ông mường tượng nổi. Ông cho biết nếu nghỉ hưu ông sẽ nhớ các đồng nghiệp, nhớ các hành khách mà ông gặp, nhớ những thói quen mà ông làm hàng ngày khi chuẩn bị đi làm như sắp sẵn bộ đồng phục và xếp va li trước mỗi chuyến bay.

Tuy nhiên ông đang tính đến chuyện nghỉ hưu để cùng vợ lái xe đi chơi. Năm ngoái ông đã phải giải phẫu thay xương đầu gối. Ông tâm sự:

”Trung bình mỗi chuyến bay có chừng 4, 5 hành khách phải dùng xe lăn. Tôi biết khi già thì xương cốt chúng ta không còn tốt nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy như vậy. Hầu hết những người dùng xe lăn mà tôi phụ giúp họ di chuyển đều kém tuổi tôi.”

Tuy 85 tuổi với 63 năm thâm niên, ông không phải là tiếp viên cao niên nhất còn làm việc. Theo nhiều tài liệu cho biết thì danh vị này phải trao cho ông Robert Reardon, hiện còn làm tiếp viên cho hãng hàng không Delta.

Ông Robert bắt đầu làm cho hãng Northwest từ năm 1951, chỉ sau ông Akana 2 năm, nhưng năm nay đã 87 tuổi, hơn ông Akana 2 tuổi.

Về phái nữ, có bà Iris Peterson, làm tiếp viên cho hãng United Airlines trong 60 năm, từ năm 1946, về hưu năm 2007 ở tuổi 85. Trong suốt thời gian làm việc, bà còn là một người tích cực tranh đấu cho quyền bình đẳng trong ngành nghề này, bà và các đồng nghiệp trong nhiều năm dài tranh đấu đã giúp phá bỏ những kỳ thị về tuổi tác, giới tính =, sắc tộc và trọng lượng cơ thể.

Có phải đây là chiều hướng mới không chỉ trong ngành tiếp viên mà còn ở mọi ngành nghề khác tại Hoa Kỳ, khi mà tuổi thọ con người ngày càng tăng?

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG