Đường dẫn truy cập

Anh, Pháp, Đức thúc đẩy chế tài Iran


Hỏa tiễn và chân dung của Lãnh tụ Tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, được trưng bày tại Quảng trường Baharestan ở Tehran, Iran, ngày 27 tháng 9, 2017.
Hỏa tiễn và chân dung của Lãnh tụ Tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, được trưng bày tại Quảng trường Baharestan ở Tehran, Iran, ngày 27 tháng 9, 2017.

Pháp, Anh và Đức hôm thứ Tư thúc đẩy các đối tác EU ủng hộ các chế tài mới đối với Iran để duy trì thỏa thuận hạt nhân với Tehran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ rút khỏi vào tháng 5, các nhà ngoại giao nói với Reuters.

Các biện pháp mới được đề xuất bởi London, Paris và Berlin đã được 28 đại sứ của các nước EU thảo luận và có thể bao gồm các thành viên của lực lượng an ninh hùng mạnh nhất của Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, các nhà ngoại giao này nói.

Ông Trump đã cho bên ký kết ở Châu Âu hạn chót là ngày 12 tháng 5 để "sửa chữa những sai sót khủng khiếp" của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, hoặc là ông sẽ từ chối triển hạn các biện pháp giảm nhẹ chế tài của Mỹ đối với Iran.

Liên minh Châu Âu bác bỏ những chỉ trích đó. Nhưng Anh, Pháp và Đức hy vọng các bước đi của họ có thể khuyến khích ông Trump đưa ra các biện pháp miễn trừ nhằm ngăn các chế tài của Mỹ, vốn được dỡ bỏ theo thỏa thuận, được áp đặt trở lại vào tháng sau.

Tại Brussels, trong các cuộc họp kín, cả ba nước đã thúc đẩy chấp thuận các lệnh cấm du hành khả dĩ và phong tỏa tài sản trước một cuộc họp của các Ngoại trưởng vào tháng sau, bốn nhà ngoại giao nói với Reuters. Một số nước EU cho biết họ cần thêm thời gian, và các cuộc thảo luận dự kiến sẽ tiếp tục vào tuần sau.

Tổng cộng 15 cá nhân và các công ty Iran có tên trong danh sách được chuyển cho các chỉnh phủ EU xem, nhưng tại cuộc họp hôm thứ Tư không có cuộc thảo luận trực tiếp nào về những đương sự cụ thể, một nhà ngoại giao nói.

Anh, Pháp và Đức đã đề xuất các chế tài bổ sung của EU đối với các chương trình phi đạn đạn đạo của Iran và vai trò của nước này trong cuộc chiến ở Syria, theo một tài liệu mà Reuters đã xem qua.

Các nhà ngoại giao đã chỉ ra cuộc họp kế tiếp của các ngoại trưởng EU tại Luxembourg vào ngày 16 tháng 4, cuộc họp chính thức cuối cùng trong nghị trình của EU trước hạn chót vào tháng 5 của ông Trump, dù các chính phủ có thể luôn triệu tập các phiên họp khác.

"Ý tưởng là có một quyết định cuối cùng về các chế tài Iran trước hoặc vào lúc họp Hội đồng Ngoại vụ vào tháng 4," nhà ngoại giao này nói.

Nhưng một nhà ngoại giao khác nói: "Chuyện này sẽ phức tạp vì cần thời gian để thuyết phục các quốc gia thành viên."

Các chế tài sẽ không bao gồm các biện pháp đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân, nhưng thay vào đó nhắm mục tiêu vào các cá nhân Iran mà EU tin là đứng đằng sau những vũ khí đạn đạo của Iran và sự hỗ trợ của Iran đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn cũng đang chịu chế tài.

Bất kỳ người Iran nào bị nhắm mục tiêu sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm du hành đến EU hoặc kinh doanh với các công ty đặt trong khối này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG