Đường dẫn truy cập

APIAVote: Cử tri gốc Việt chuyển hướng lựa chọn tổng thống Mỹ


Tòa nhà Quốc hội Mỹ và Đài tưởng niệm Washington ở thủ đô Mỹ. Cộng đồng người gốc Á trong đó có Việt Nam đang trở thành khối cử tri quan trọng trong cuộc đua giảnh chức tổng thống Mỹ năm nay.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ và Đài tưởng niệm Washington ở thủ đô Mỹ. Cộng đồng người gốc Á trong đó có Việt Nam đang trở thành khối cử tri quan trọng trong cuộc đua giảnh chức tổng thống Mỹ năm nay.

Trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thường có xu hướng ủng hộ các ứng cử viên đảng Cộng hòa. Truyền thống này được biết tới kể từ khi những di dân Việt đến Mỹ tị nạn sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Lịch sử di dân của người Việt, theo các nhà phân tích, đã tạo ra sự khác biệt trong quan điểm chính trị của họ so với những sắc dân gốc Á khác tại Mỹ, những người phần lớn nghiêng về đảng Dân chủ.

“Chúng tôi thấy người Mỹ gốc Á nói chung ủng hộ ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ (nhưng) cộng đồng người Việt theo truyền thống là những người ủng hộ đảng Cộng hòa nhiều nhất,” Christine Chen, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Asian Pacific Islander American Vote (APIAVote), một tổ chức phi đảng phái thúc đẩy tiếng nói của cộng đồng châu Á và các đảo Thái Bình Dương thông qua việc bỏ phiếu và sự gắn kết dân sự của họ, nói với VOA.

Nhưng điều này đang thay đổi, theo khảo sát của APIAVote.

Khảo sát mới của APIAVote đưa ra chỉ hơn 1 tháng trước ngày bầu cử 5/11, cho thấy người gốc Việt lại là nhóm ủng hộ lớn nhất cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, người đã thay Tổng thống Joe Biden để tranh cử khi ông rút lui vào đầu tháng 9.

Bảy mươi bảy phần trăm (77%) người Việt nói rằng họ “sẽ có xu hướng bỏ phiếu cho Kamala Harris” khi được hỏi về lựa chọn giữa bà Harris với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump hay một ứng viên nào đó, theo khảo sát được thực hiện với những người đủ tư cách đi bầu và đã đăng ký bỏ phiếu. Người gốc Việt là nhóm cử tri ủng hộ lớn nhất trong các nhóm Mỹ gốc Á, gồm Ấn Độ với 69%, Philippines 68% và Nhật Bản 67%, vốn là những sắc dân có lượng cử tri thiên về đảng Dân chủ nhiều nhất từ trước tới nay. Con số ủng hộ của người gốc Việt cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 64% người Mỹ gốc Á ủng hộ bà Harris.

Điều này cho thấy một sự thay đổi lớn so với kỳ bầu cử năm 2020, khi người gốc Việt là nhóm ủng hộ đảng Dân chủ ít nhất. Trong khảo sát của APIAVote 4 năm trước, chỉ có 36% người Việt có xu hướng ủng hộ ông Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ lúc đó, so với 65% người gốc Ấn, 61% người gốc Nhật – cũng là 2 nhóm sắc dân dẫn đầu – và các nhóm khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines đều có lượng cử tri ủng hộ ông Biden cao hơn.

Cộng đồng Việt lúc đó là nhóm lớn nhất ủng hộ ông Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa tái tranh cử tổng thống trước ông Biden, người lần đầu ra tranh cử. Với 48% ủng hộ ông Trump, lượng người gốc Việt muốn bầu cho đương kim tổng thống lúc đó cao hơn mức trung bình 30% của các sắc dân gốc Á nói chung.

Nhưng trong kỳ bầu cử này, người gốc Việt lại là nhóm sắc dân có số lượng cử tri ít nhất có thiên hướng bầu cho ông Trump. Chỉ có 20% người gốc Việt nói rằng họ ủng hộ cựu tổng thống của đảng Cộng hòa, thấp hơn so với tất cả các nhóm sắc dân khác trong cộng đồng Mỹ gốc Á.

Theo bà Chen, xu hướng chuyển dịch quan điểm chính trị này của người gốc Việt đã bắt đầu cách đây vài năm.

“Vào năm 2022, với cuộc khảo sát, chúng tôi thực sự bắt đầu thấy một sự thay đổi khi cử tri gốc Việt bắt đầu cho thấy họ độc lập hơn nhiều và một số người trong số họ bắt đầu chuyển sang Dân chủ, ủng hộ đảng Dân chủ hay thậm chí nhận mình là đảng viên Dân chủ,” bà Chen nói và cho biết bà không ngạc nhiên vì sự thay đổi này vì xu hướng này đang tiếp diễn từ năm 2022, vốn là kỳ bầu cửa giữa kỳ ở Mỹ.

“Nhưng tôi nghĩ trong kỳ bầu cử này, mọi điều đều có thể xảy ra,” bà Chen nói. “Tuy nhiên, tôi thấy rằng kể từ khi bà Harris trở thành ứng cử viên, đã có nhóm ‘Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Harris’. Họ rất năng nổ.”

Nhóm "Người gốc Việt ủng hộ Harris"
Nhóm "Người gốc Việt ủng hộ Harris"

Nhận định về sự thay đổi này, bà Chen nói rằng “trong những năm của thập kỷ 1990 và 2000, các ứng viên của đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ của những người (gốc Việt) lớn tuổi và cộng đồng tị nạn vì họ đã thúc đẩy mạnh mẽ rằng họ thực sự giỏi (về chống) chủ nghĩa Cộng sản.”

“Nhưng những người Mỹ gốc Việt, giờ đây là thế hệ thứ hai, những người có lẽ trẻ hơn, giờ đã đến tuổi trưởng thành và đủ điều kiện bỏ phiếu,” bà Chen nói. “Và họ không nhất thiết chỉ tập trung vào chủ nghĩa Cộng sản. Họ có xu hướng nhìn rộng hơn về những vấn đề khác quan trọng đối với họ. Và đó là lý do tại sao lại thực sự có sự thay đổi này.”

Người Mỹ gốc Việt chiếm khoảng 10% dân số người Mỹ gốc Á tại Mỹ và nhóm sắc dân phát triển nhanh nhất cũng như là khối cử tri ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ, theo khảo sát của Pew. Dữ liệu điều tra dân số năm 2021 cho thấy người gốc Việt là cộng đồng gốc Á lớn thứ 4 tại Mỹ – sau Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, chiếm khoảng 2,3 triệu người.

‘Bỏ phiếu cho ứng viên phù hợp giá trị của mình’

Vũ Nguyễn, một cử tri gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Oakland, California, cho biết anh “luôn bỏ phiếu dựa trên những vấn đề và cho các ứng cử viên phù hợp với các giá trị của tôi và nhu cầu của cộng đồng”, nhưng không muốn tiết lộ sẽ bầu cho ai vào ngày 5/11.

Anh Vũ, hiện là quản lý về gắn kết cộng đồng tại California Healthy Nail Salon Collaborative (CHNSC), một tổ chức chuyên giúp những người làm việc tại các cửa hàng làm móng tay móng chân có quyền lợi và môi trường làm việc tốt hơn. Trong mùa bầu cử, theo anh Vũ cho biết, anh và các thành viên tại CHNSC gọi điện tới các cử tri gốc Việt để “tìm cách giúp họ hiểu biết về các quyền bỏ phiếu, ý nghĩa của việc chia sẻ tiếng nói của họ.”

Nhận xét về sự thay đổi trong quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Việt, anh Vũ nói rằng “cộng đồng người Việt đang quan tâm tới nhiều vấn đề hơn so với những kỳ bầu cử trước đây.”

“Cộng đồng đang thay đổi sự ủng hộ chính trị của họ dựa trên cách những vấn đề tác động đến cuộc sống hàng ngày của họ,” anh Vũ, nói. “Điều tôi nhận thấy khi giúp những người làm việc tại tiệm làm móng là có thể, họ hướng đến một ứng cử viên ủng hộ mạnh mẽ hơn các biện pháp bảo vệ người lao động, dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng và quyền tiếp cận sức khỏe sinh sản, vốn đang trở thành những yếu tố chính trong việc quyết định bỏ phiếu của họ.”

Anh Vũ Nguyễn, quản lý về gắn kết cộng đồng tại California Healthy Nail Salon Collaborative (CHNSC), giúp cử tri gốc Việt chia sẻ tiếng nói của họ qua lá phiếu.
Anh Vũ Nguyễn, quản lý về gắn kết cộng đồng tại California Healthy Nail Salon Collaborative (CHNSC), giúp cử tri gốc Việt chia sẻ tiếng nói của họ qua lá phiếu.

Kỳ thị chủng tộc, phá thai, kinh tế, biến đổi khí hậu, tội ác và bạo lực là những vấn đề người gốc Việt quan tâm nhất khi đi bỏ phiếu vào tháng 11, theo khảo sát của APIAVote.

Trong thời gian làm tổng thống, ông Trump đã đưa ra những phát ngôn giữa thời kỳ đại dịch COVID khiến kỳ thị chủng tộc tăng cao đối với người gốc Á. Ông cũng là người nhiều lần tìm cách xóa bỏ chính sách bảo hiểm y tế giá cả phải chăng Obamacare do Tổng thống tiền nhiệm của ông, Barack Obama, đưa ra. Tòa án Tối cao Mỹ, với 3 thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm, đã xóa bỏ án lệ Roe v. Wade vốn bảo vệ quyền nạo phá thai của phụ nữ ở cấp liên bang để trao quyền quyết định cấm hay không cho các tiểu bang. Bà Harris cho biết, nếu được bầu vào Nhà Trắng, bà sẽ “tự hào” ký lệnh phục hồi quyền tự do được quyết định về nạo phá thai cho phụ nữ.

Về mặt kinh tế, ông Trump có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn so với bà Harris khi nhiều người cho rằng vị cựu tổng thống tỷ phú có khả năng điều hành nền kinh tế tốt hơn trong khi chính quyền Biden-Harris phải vật lộn để khống chế mức lạm phát cao vì hậu quả của đại dịch COVID.

‘Có sự khác biệt về quan điểm trong các thế hệ người gốc Việt’

Ông Baoky Vu, người từng là thành viên ban cố vấn tổng thống dưới thời Bush và thành viên trong ban bầu cử tiểu bang Georgia, cho biết rằng theo sự quan sát của ông “khối người Việt ủng hộ đảng Dân chủ giờ đây cao hơn những sắc dân khác” trong cộng đồng Mỹ gốc Á.

Theo người từng là di dân Việt tới Mỹ sau năm 1975, có sự khác biệt giữa các thế hệ người gốc Việt về quan điểm chính trị và rằng thế hệ của “những cử tri trẻ, những cử tri chưa đến trung niên hứng khởi (đi bầu) vì họ thấy đây là cơ hội để mình bước đến một con đường mới.”

Khảo sát cho thấy, 77% cử tri gốc Việt nói rằng họ “chắc chắn” sẽ bỏ phiếu trong kỳ bầu cử năm nay.

Kể từ khi thay thế ông Biden trong cuộc đua với ông Trump, bà Harris trở thành ứng cử viên trẻ hơn của đảng Dân chủ và tạo được ấn tượng đối với người gốc Việt. Theo khảo sát của APIAVote, 63% người gốc Việt có tấn tượng tốt với bà Harris so với 30% giành cho ông Trump.

“Trong 8 năm qua, ông Trump là người chỉ lo đến vấn đề cho ông ấy thôi… và ông ấy đã gây nên một hoàn cảnh chính trị khá ngột ngạt, nhất là ông đã từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020,” ông Baoky, người được bầu làm đại cử tri của Georgia nhưng đã từ chức vì quyết định không bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, nói.

Ông Trump cho rằng có gian lận trong bầu cử và đã bị luận tội liên quan đến việc kích động cuộc bạo loạn ngày 1/6/2021 vào quốc hội Mỹ khi các nhà lập pháp chứng thực kết quả chiến thắng cho ông Biden. Tuy nhiên, ông Trump đều được tha bổng trong cả 2 lần luận tội, gồm cả lần đầu vì cáo buộc lạm dụng quyền lực.

“(Người gốc Việt) thay đổi cái nhìn vì đây là một người hướng về tương lai và một người kia thì lại hướng về quá khứ,” ông Baoky, thành viên của nhóm Republicans for Harris (Người Cộng Hòa ủng hộ Harris) đi vận động những người Cộng hòa bầu cho bà Harris ở tiểu bang quê nhà của ông ở Georgia, nói.

Theo bà Chen, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã đầu tư nguồn lực và chú ý tới cộng đồng người Mỹ gốc Á, trong đó có người gốc Việt, và “nó có thể thực sự mang lại hiệu quả.”

Người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử Harris-Walz chuyên về người Mỹ gốc Á, Hawaii bản địa và các đảo Thái Bình Dương, Andrew Peng, cho VOA biết rằng bà Harris “đã tranh đấu cho các vấn đề quan trọng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Việt – từ đầu tư vào tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp nhỏ đến việc giữ cho cộng đồng an toàn khỏi bạo lực súng đạn và bảo vệ quyền tự do của chúng ta.”

Ông Peng còn nói rằng chiến dịch Harris-Walz đã và đang hợp tác chặt chẽ với khoảng một chục nhóm cơ sở như “Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Harris” và đầu tư đáng kể vào truyền thông trả phí cũng như tổ chức các sự kiện tiếp xúc trực tiếp cử tri theo từng nền văn hóa cụ thể để tiếp cận cử tri Mỹ gốc Á ở mọi tiểu bang chiến trường.

Chiến dịch của bà Harris đã tung ra 3 quảng cáo trả phí nhắm vào cộng đồng người gốc Á tại các tiểu bang chiến trường, nơi có thể quyết định sự chiến thắng của một ứng viên khi cuộc đua vô cùng sít sao, trong đó có một video nói về người mẹ gốc Ấn Độ của bà.

Chiến dịch tranh cử Trump-Vance không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về sự thay đổi trong quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Việt khi chuyển hướng từ ủng hộ ông Trump sang ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ, nay là bà Harris. Ông Trump đã có một cuộc tiếp xúc với những người ủng hộ gốc Việt ở Eden Center, Virginia, vào cuối tháng 8 vừa qua, tại đó ông nói rằng “cộng đồng người Việt yêu quý tôi.”

Khảo sát gần đây nhất của Pew đưa ra vào năm 2023 cho thấy 51% cử tri gốc Việt đã đăng ký đi bầu tự nhận họ hoặc thiên về Đảng Cộng hòa trong khi phần lớn những người Mỹ có gốc châu Á khác có thiên hướng gắn kết với đảng Dân chủ.

Nhận định về sự chuyển biến trong quan điểm chính trị của người gốc Việt ở Mỹ, Nu-Anh Tran, phó giáo sư Khoa lịch sử và Viện nghiên cứu châu Á và người Mỹ gốc Á của Đại học California phân viện Berkeley, nói với VOA rằng “hầu hết người Mỹ gốc Việt đều có nguồn gốc từ Việt Nam Cộng hòa và nền chính trị của Việt Nam Cộng hòa rất đa dạng, bao gồm cả khuynh hướng dân chủ và tiến bộ cũng như những khuynh hướng độc đoán, quân phiệt.”

“Cách các quan điểm chính trị được tập trung và được định hình ở Việt Nam Cộng hòa không nhất thiết phải phản ánh trực tiếp vào chính trị đảng phái của Mỹ, và ngay cả những cử tri gốc Việt bỏ phiếu cho cùng một đảng cũng có thể có quan điểm chính trị khác biệt khi đặt trong bối cảnh chính trị miền Nam Việt Nam,” bà Nu-Anh, một nhà sử học chuyên nghiên cứu về miền Nam Việt Nam thập niên 1960, nói.

Trong khi đó Tiến sỹ Y Thien Nguyen, phó giáo sư của khoa nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Đại học California phân viện Dominguez Hills, cho rằng cần phải chờ xem mức độ của sự thay đổi có đến mức như các cuộc khảo sát hay không sau ngày bầu cử. Nhưng ông nói ông “tự tin rằng có một sự chuyển biến” trong quan điểm chính trị của người gốc Việt.

“Có một sự thay đổi trong cách người Mỹ gốc Việt tiếp cận ông Trump và cách họ nhìn nhận bà Harris. Bởi vì đây là bối cảnh chính trị rất khác so với những gì chúng ta biết tới từ năm 2020,” Tiến sĩ Y, từng là thành viên của Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ - Việt Nam tại Đại học Oregon, nói và cho biết có những yếu tố đóng góp vào xu hướng thay đổi này, trong đó có sự mở rộng của thế hệ trẻ người gốc Việt – những người quan tâm nhiều hơn đến công bằng xã hội.

Từ California, nơi có cộng đồng người Việt di tản sau chiến tranh lớn nhất ở Mỹ, anh Vũ cho biết gia đình anh cũng nằm trong số những người phải rời bỏ Việt Nam và giờ đây anh sẽ bầu chọn cho ứng cử viên nào tốt nhất cho cộng đồng của mình. Anh Vũ, thuộc thế hệ người gốc Việt sinh ra ở Mỹ, cho rằng “đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ bảo vệ người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và những thứ tương tự, đặc biệt là cộng đồng người nhập cư.”

“Tôi quan tâm tới những vấn đề về chăm sóc sức khỏe, kinh tế, giáo dục. Đó là những vấn đề cơ bản ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhưng cũng quan tâm đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và các cộng đồng di dân,” anh Vũ, 33 tuổi, nói và cho biết anh đã bỏ phiếu bầu tổng thống trong mọi cuộc bầu cử kể từ khi anh đủ tuổi đi bầu.

“Đó là những vấn đề mà tôi thấy quan trọng đối với tôi vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến những người tôi đang làm việc cùng và quan tâm đến, bao gồm cả mẹ tôi, người đang làm tại một tiệm làm móng, và những nhân viên trong các tiệm nail.”

Khảo sát APIAVote 2024

36% người gốc Việt quan ngại “tin giả, thông tin sai” về ứng cử viên

34% người gốc Việt quan ngại về bạo loạn hậu bầu cử

49% người gốc Việt quan ngại về các thách thức pháp lý đối với cuộc bầu cử

51% người gốc Việt tin bà Harris kiểm soát quan hệ Mỹ - Trung Quốc tốt hơn ông Trump

29% người gốc Việt tin ông Trump kiểm soát quan hệ Mỹ - Trung Quốc tốt hơn bà Harris

50% người gốc Việt tin bà Harris kiểm soát quan hệ Mỹ - Đài Loan tốt hơn ông Trump

25% người gốc Việt tin ông Trump kiểm soát quan hệ Mỹ - Đài Loan tốt hơn bà Harris

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG