Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ tưởng niệm biến cố 70 năm vụ tấn công Trân Châu Cảng


Hơn 2400 quân nhân và thường dân Mỹ thiệt mạng và 8 chiến hạm bị phá hủy trong vụ tấn công ở Trân Châu Cảng, 7/12/1941 (hình lưu trữ)
Hơn 2400 quân nhân và thường dân Mỹ thiệt mạng và 8 chiến hạm bị phá hủy trong vụ tấn công ở Trân Châu Cảng, 7/12/1941 (hình lưu trữ)

Nguyên nhân khiến nước Mỹ quyết định tham gia thế chiến thứ hai bắt đầu vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, cách nay 70 năm, khi hàng trăm máy bay của Nhật bất ngờ kéo đến tấn công tới tấp lực lượng của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) ở Hawaii. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ trình bày cùng quí vị về buổi lễ tưởng niệm ngày này và lời tự thuật của một cựu chiến binh còn sống tới ngày nay, cùng ảnh hưởng của nước Mỹ kể từ ngày quốc gia tham gia vào thế chiến thứ hai. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương sau đây.

Vào ngày thứ tư 7 tháng 12 vừa rồi nước Mỹ cử hành lễ tưởng niệm 70 năm cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor).

Chừng 100 cựu quân nhân Mỹ còn sống tới bây giờ cùng với Bộ trưởng hải quân Ray Mabus và những người lãnh đạo quân sự và dân sự cùng nhau dành một phút mặc niệm vào buổi sáng đúng giây phút mà cuộc tấn công bắt đầu 7 thập niên trước đây tại cảng này. Trong số đó có cựu quân nhân Lou Gore, năm nay 88 tuổi cùng thân nhân đến từ bang Washington và Charles Ellis, đến từ bang Florida.

Con số các cựu quân nhân tham dự lễ tưởng niệm các đồng đội đã bỏ mình trong vụ tấn công Trân Châu Cảng năm nay chỉ bằng khoảng một nửa năm ngoái vì tuổi tác đã quá cao.

Tổng thống Barack Obama chào mừng các cựu quân nhân sống sót trong vụ tấn công Trân Châu Cảng bằng lời tuyên bố ngày thứ tư 7 tháng 12 năm nay là “Ngày Toàn Quốc Tưởng Niệm Trân Châu Cảng.”

Một cựu quân nhân sống sót trong vụ tấn công Trân Châu Cảng, cụ Charles Ellis thuật lại kinh nghiệm đã trải qua trong trận tấn công này. Lúc đó Charles Ellis là một thanh niên mới 19 tuổi, thủy binh trên chiến hạm USS Pensylvania đậu tại Trân Châu Cảng ở Hawaii. Charles Ellis mới gia nhập hải quân 1 năm trước đó sau khi tốt nghiệp trung học. Ngoài công việc lau chùi boong tàu, thủy binh Ellis phụ trách một trong những cỗ đại pháo đặt trên tàu. Cụ thuật lại diễn biến ngày hôm đó như sau:

"Tôi vừa ăn sáng xong, đang trên đường tới vị trí làm việc thì bất thình lình còi báo động hú lên. Khi nghe tiếng còi này ai cũng biết là lệnh tổng báo động và biết rằng có chuyện gì bất thường lắm xảy ra đây. Tôi chạy lên vị trí chiến đấu của tôi."

Khi thủy binh Ellis đã vào vị trí pháo tháp, anh chứng kiến không biết bao nhiêu máy bay từ bốn phương tràn tới, và nhận diện ra ngay đó là máy bay Nhật, bay rất thấp với những dấu hiệu đỏ chói.

Hàng trăm máy bay Nhật nhào đến tấn công, không những chỉ Trân Châu Cảng, mà còn vào các căn cứ bộ binh, không đoàn của bộ binh và các căn cứ của Thủy quân Lục chiến trên đảo Oahu nữa.

Cụ Ellis thuật lại là cụ và đồng đội cứ thế mà nhả đạn nhắm vào những máy bay tới tấp xuất hiện từ bốn phuơng tám hướng.

Cuộc tấn công bất ngờ tại Trân Châu Cảng kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. Chiến hạm Pennsylvania mà thủy binh Ellis phục vụ lúc đó đang nằm ụ để sửa chữa nên không bị đánh chìm.

Hơn 2400 quân nhân và thường dân Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công và 8 chiến hạm bị phá hủy, 5 trong số này bị đánh chìm. Đây là vụ tấn công của nước ngoài gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho Hoa Kỳ cho đến khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Xác chiến hạm Arizona vẫn còn để lại tại hải cảng như một đài tưởng niệm tất cả những người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.

Từ vị trí lúc đó, thủy binh có thể thấy các tàu chiến bị chìm, khói lửa bốc lên ngút trời và những vụ nổ kéo dài. Lúc đó anh không biết là máy bay Nhật đã kéo đi hay chúng sẽ trở lại, thủy binh Ellis và các đồng đội cứ chuẩn bị sẵn sàng, nạp đạn để đối phó.

Cụ Ellis, giờ đây đã 89 tuổi, cho biết sau vụ tấn công này, cụ được huấn luyện về phi hành, trở thành một phi công cho hải quân. Cụ phục vụ ở miền tây Thái Bình Dương, và kết thúc cuộc chiến ở vịnh Tokyo vào lúc Nhật ký văn kiện đầu hàng. Sau 20 năm phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ, cụ giải ngũ, làm phi công cho một công ty sản xuất thực phẩm ở Florida thêm 20 năm nữa.

Cụ Ellis tâm sự rằng vụ tấn công Trân Châu Cảng sẽ mãi mãi theo đuổi cụ và các đồng đội nào của cụ hiện còn sống. Cụ nói: ”Nó là một điều gì đó mà quí vị không bao giờ quên. Chúng tôi cứ suy nghĩ về chuyện gì đã xảy ra, và những ngày đó là những ngày mà chúng tôi chẳng bao giờ quên được.”

Trận Trân Châu Cảng còn in hằn lên tâm trí của cả những người ra đời sau cuộc thế chiến thứ hai, trong số này có sử gia Craig Shirley. Ông cho biết cuộc thế chiến luôn hiện diện trong thời thơ ấu của ông. Trong gia đình ông, hễ cứ nói chuyện là người lớn nhắc đến “thời trước chiến tranh, trong thời chiến tranh, và sau chiến tranh” và tất cả mọi người trong gia đình ông đều có liên hệ trực tiếp đến cuộc chiến, dù là quân nhân hay dân sự.

Sử gia Shirley cho biết Tổng thống Franklin Roosevelt trước đó đã chống đối chuyện tham gia thế chiến. Vào thời đó, nước Mỹ mới đang dần dần thoát ra khỏi cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Tổng thống Roosevelt, trong bài diễn văn trước công chúng có nói rằng: ”Tôi sẽ không gửi những người con yêu của quí vị sang chiến trường châu Âu.”

Nhưng tất cả đã thay đổi khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng.

Trong cuốn sách nhan đề: "Tháng Chạp năm 1941: 31 ngày thay đổi nước Mỹ và Cứu Thế Giới," sử gia nhắc đến bài diễn văn nổi tiếng của tổng thống Roosevelt đọc trước lưỡng viện quốc hội. Ông cho biết vào ngày 8 tháng Chạp năm 1941, lúc tổng thống đọc diễn văn, tất cả mọi họat động trong nước đều ngưng lại, mọi người tụ tập quanh những chiếc radio để lắng nghe, các cửa hiệu sửa radio bày máy ra ngoài đường để dân chúng qua lại dừng chân lắng nghe tổng thống Hoa Kỳ. Thị trường chứng khoán cũng ngưng hoạt động.

40 phút sau khi dứt bài diễn văn của tổng thống, Quốc hội tuyên chiến với nước Nhật. Vào ngày 11 tháng 12, nước Đức tuyên chiến với Hoa Kỳ. Nước Mỹ lâm chiến.

Thanh niên lên đường tòng quân, các bà nội trợ trước đó chỉ ở nhà chăm lo chuyện gia đình giờ đây tiến vào các cơ xưởng đảm nhận việc sản xuất máy bay, xe tăng, vũ khí, làm nhân viên cứu hỏa, những công việc mà trước kia chỉ có nam giới gánh vác. Sự kiện này đã thay đổi hẳn bộ mặt xã hội của nước Mỹ.

Giáo sư sử học tại trường đại học Glasgow, ông Evan Mawdsley tác giả cuốn “Tháng Chạp năm 1941: 12 Ngày Bắt Đầu cuộc Thế Chiến,” đưa ra một viễn cảnh quốc tế về ảnh hưởng của việc Hoa Kỳ tham chiến. Ông cho biết thực sự quân Nhật đã tấn công nước Anh trước khi tấn công Trân Châu Cảng chỉ chừng nửa giờ sau khi họ tấn công vào Malaya, đất bảo hộ của nước Anh thời đó. Lý do Nhật tấn công Trân Châu Cảng là vì họ muốn đoan chắc rằng hải quân Mỹ không thể can thiệp vào vụ xâm lăng của họ vào Malaya.”

Giáo sư Evan Mawdsley cho rằng thế giới sau ngày 7 tháng 12 năm 1941 đã thực sự đổi thay so với thế giới chỉ trước đó một ngày. Theo ông, trước thời điểm đó số phận của toàn thế giới do các cường quốc châu Âu định đoạt, nhưng kể từ những ngày đầu của tháng 12 năm 1941, bất thình lình cục diện thế giới đã xoay chiều. Ông cho rằng tình trạng toàn cầu hóa có thể được truy nguyên từ thời điểm khi Hoa Kỳ can dự vào cuộc thế chiến.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG