Đường dẫn truy cập

Các ngoại trưởng Ðông Nam Á kêu gọi bầu cử khả tín ở Miến Điện


Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm (trái) nói chuyện với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (phải) trong một buổi lễ ký kết của ASEAN tại Hà Nội, ngày 27/10/2010
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm (trái) nói chuyện với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (phải) trong một buổi lễ ký kết của ASEAN tại Hà Nội, ngày 27/10/2010

Các vị ngoại trưởng của các quốc gia Đông nam châu Á đã mở các cuộc thảo luận tại Việt Nam trước khi diễn ra các cuộc họp thượng đỉnh trong tuần này. Trọng tâm của các cuộïc họp là vấn đề hợp tác khu vực, nhưng kế họach bầu cử gây nhiều tranh cãi ở Miến Điện, mà giới chỉ trích gọi là một trò giả trá, cũng dự kiến sẽ được đưa ra bàn luận. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Các vị Ngoại trưởng trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã mở các cuộc hội đàm hôm nay tại Hà Nội.

10 nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Miến Điện, Kampuchea, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trong số các đề tài khác, theo dự kiến các vị bộ trưởng sẽ thảo luận công cuộc chuẩn bị của Miến Điện cho cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11, cuộc bầu cử đầu tiên từ hai thập niên. Giới chỉ trích cho rằng cuộc bầu cử này nhắm mục đích để quân đội tiếp tục nắm quyền.

Chưa rõ liệu cuộc bầu cử có được đưa ra thảo luận hay không. Nhưng, trước cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói với các ký giả rằng ông đang hối thúc Miến Điện tổ chức bầu cử có tính cách khả tín hơn. Ông nói chưa phải là quá trễ để các nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện có hành động.

Ông Natalegawa nói: “Chúng tôi đang có những cuộc đối thoại tốt đẹp với các đồng sự Miến Ðiện, và chúng tôi không bi quan, ngay cả vào giai đoạn cuối này, rằng chúng tôi có thể là một phần, chúng tôi có thể cùng hợp tác để bảo đảm rằng cuộc bầu cử ở Myanmar có thể nằm trong một giải pháp thay vì là một phần của những khó khăn trước mắt.”

ASEAN đã đề nghị gửi quan sát viên đến cuộc bầu cử để đem lại thêm tính khả tín nhưng Miến Điện cấm các quan sát viên và ký giả nước ngoài.

Quân đội Miến Điện đã được bảo đảm 1/4 số ghế trong cuộc bầu cử, đã gạt ra bên lề các đảng đối lập, và từ chối không cho hàng triệu người thuộc sắc tộc thiểu số được đi bỏ phiếu.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội làm lơ trước kết quả và đã đặt khôi nguyên giải Nobel hòa bình trong tình trạng quản thúc tại gia phần lớn thời gian kể từ khi đó.

Ngoại trưởng Philippines Alberto Romulo nói với các ký giả rằng các cuộc bầu cử có vẻ không đáng tin cậy.

Ông Romulo nói: “Vấn đề là liệu sẽ có được các cuộc bầu cử đáng tin cậy hay không nếu như bà Aung San Suu Kyi và những người khác không được tham gia? Không phải là vấn đề các quan sát viên. Vấn đề là sự tham gia của tất cả mọi người.”

Cuộc họp của các vị ngoại trưởng ASEAN diễn ra 1 ngày trước khi các nhà lãnh đạo các nước ASEAN họp tại Hà Nội để dự các cuộc hội đàm tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng khu vực tương tự như Liên hiệp châu Âu.

Các vị nguyên thủ quốc gia ASEAN sẽ họp với ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, người đã đề nghị phóng thích bà Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị khác ở Miến Điện.

Các nhân vật này cũng sẽ họp với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và vào cuối tuần sẽ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Australia, Ấn Độ, New Zealand dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Nga và Hoa Kỳ sẽ tham dự với tính cách quan sát viên và sẽ được chính thức mời tham gia nhóm này vào năm 2011.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG